60 tác phẩm chưa từng công bố của danh họa (thuộc bộ sưu tập của 3 nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn, Bùi Quốc Chí và Lưu Quốc Bình) là sự kiện ấn tượng mở màn cho hội họa năm 2018.
Bậc thầy màu nước
Triển lãm “Lưu Công Nhân những điều chưa biết” diễn ra tại phòng tranh Đức Minh (31C, đường Lê Quý Đôn, quận 3). Các tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân, gồm tranh sơn dầu, màu nước, trong đó có nhiều tác phẩm quy mô đồ sộ lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng.
Nhà sưu tập Bùi Quốc Chí, chủ nhân phòng tranh Đức Minh (con trai cố nhà sưu tập Đức Minh) cho biết, phần lớn các tác phẩm lần này được danh họa Lưu Công Nhân sáng tác trong các thập niên 50-60-70-80 của thế kỷ trước, chỉ một số ít tranh sáng tác sau thập niên 80 trong những hoàn cảnh đặc biệt. Cuộc triển lãm chỉ trưng bày và giới thiệu, không bán, với mong muốn mang đến một bữa tiệc nghệ thuật đầu năm cho các văn nghệ sĩ, công chúng, những người yêu quý tranh của Lưu Công Nhân nói riêng và yêu hội họa Việt Nam nói chung. Theo nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân, đây là cuộc triển lãm tác phẩm Lưu Công Nhân có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Những hình ảnh nông thôn Việt Nam chất phác, thuần hậu, bình yên nhưng cũng không kém phần lãng mạn, cho dù lúc ấy quê hương đang phải gánh chịu bao tàn phá khốc liệt của chiến tranh. Đó là những chú trâu béo tròn, thong dong trên ruộng cày, gắn bó yêu thương cùng người chủ. Đó là những người phụ nữ đẹp, dung dị mà gợi cảm dưới vành khăn mỏ quạ. Đó là những hình ảnh chia sẻ đầy yêu thương, ấm tình quân dân của đồng bào dân tộc thiểu số với các anh bộ đội trong một phiên chợ vùng cao Tây Bắc. Đó là hình ảnh cô lái đò khua nhẹ mái chèo trên sông trong sương sớm.
Đó là một quán sách ở Bờ Hồ trong buổi sáng yên bình của Hà Nội những năm kháng chiến chống Mỹ. Đó là những lán trại thô sơ, dã chiến của dân quân trên đường đi Điện Biên, là giây phút thư thả bên những con vật nuôi thật đáng yêu của anh chiến sĩ hải quân…
Tốt nghiệp trường mỹ thuật tại Việt Bắc những năm 1950 - 1954, Lưu Công Nhân (1931 - 2007) là một trong những học trò xuất sắc nhất của khóa học. Ông được danh họa Tô Ngọc Vân - người trực tiếp giảng dạy khóa học khi ấy rất quý mến. Lưu Công Nhân chịu ảnh hưởng từ họa sĩ người Pháp Auguste Renoir với quan niệm về phong cách biểu hiện luôn đề cao nét đẹp tự nhiên, đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ. Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn là kết hợp tài tình giữa yếu tố duyên dáng quê mùa, bình dị mộc mạc với nét hào hoa, sang trọng, hiện đại, dù là chất liệu gì, sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy. Ông đã góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trên bản đồ mỹ thuật thế giới với các tác phẩm tham dự triển lãm quốc tế tại Vienne Biennal lần thứ 5 (năm 1959), Prague (1960), Berlin (1964), Bucarest (1960, 1968), Paris (1980)...
Và những điều chưa biết
Sau kháng chiến chống Pháp, về lại Hà Nội, ông được xếp vào nhóm họa sĩ sáng tác hưởng biên chế nhà nước. Hiểu được tính cách, tài năng và sự say mê của ông dành cho hội họa, người bạn đời của ông đã luôn chu toàn gánh vác việc nhà để ông toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. Ông rong ruổi khắp các vùng miền trên chiếc xe đạp, có khi lỉnh kỉnh những gạo, muối, bếp dầu để tự túc bữa ăn và để vẽ. Không phải lo lắng nhiều về kinh tế gia đình, không bó buộc thời gian, ông lại càng tự do sáng tác. Đến tận khi tuổi cao sức yếu, ông vẫn không từ bỏ ý muốn thực hiện những bức sơn dầu khổ lớn về thời bình dân học vụ, thời phát truyền đơn trong Cách mạng Tháng Tám… Những ký ức lịch sử đã luôn thôi thúc ông không ngừng sáng tác.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định về những tác phẩm của danh họa: “Tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của kháng chiến”. Các tác phẩm của ông đóng góp một phần quan trọng cho hội họa Việt Nam hiện đại, đặc biệt là những tác phẩm sáng tác qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Lâu nay, tranh Lưu Công Nhân luôn là những sưu tập đắt giá nhất, những tác phẩm được tìm kiếm.
Không chỉ giới thiệu những tác phẩm của ông, triển lãm còn giới thiệu những hình ảnh, bút tích của danh họa được lưu giữ hàng chục năm qua. Ngoài các tác phẩm sơn dầu đồ sộ thuộc sỡ hữu của nhà sưu tập Bùi Quốc Chí và Lưu Quốc Bình (con trai cố họa sĩ), người xem không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng khoảng 30 bức tranh màu nước đẹp nhất của danh họa, thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn. Những nét vẽ của Lưu Công Nhân phóng khoáng và lãng tử. Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Triển lãm trưng bày những tác phẩm quý và rất giá trị của danh họa, là một cơ hội tốt để giới nghệ thuật thưởng thức và hiểu hơn về bậc thầy; để các bạn trẻ được tiếp cận với một tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện đại”. Các tác phẩm trưng bày đến hết ngày 3-3.