Đơn kiện đã được gửi lên Tòa án quận Bắc California chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn khoản ngân sách 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới phía Nam.
Bộ trưởng Tư pháp bang California Xavier Becerra nhấn mạnh mục đích của vụ kiện trên nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump “lạm quyền”. Căn cứ theo Đạo luật các tình huống khẩn cấp quốc gia năm 1976 của Mỹ, Tổng thống Donald Trump có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia dọc biên giới phía Nam. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ giúp tổng thống tiếp cận với các quyền lực đặc biệt, cho phép ông bỏ qua tiến trình chính trị thông thường. Ông Donald Trump cho rằng tình trạng khẩn cấp cần được ban bố bởi cuộc khủng hoảng an ninh biên giới. Tuy nhiên, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết không hề có tình trạng khẩn cấp hoặc khủng hoảng nhập cư nào ở vùng biên giới với Mexico. Thậm chí, số vụ vượt biên vào Mỹ còn xuống mức thấp nhất từ hơn 30 năm nay.
Dù Quốc hội Mỹ có quyền phủ quyết một tuyên bố tình trạng khẩn cấp như trên, song cần sự đồng thuận từ cả Thượng viện và Hạ viện, điều khó có thể đạt được hiện nay khi đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện. Vì vậy, Tổng thống Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp để giúp ông có thể huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách xây dựng quân đội, quỹ dân sự của Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh nội địa, thậm chí từ cả quỹ cứu trợ thiên tai hay chống ma túy, để chuyển sang dự án xây dựng bức tường biên giới. Theo ông Donald Trump, việc công bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép ông có gần 8 tỷ USD cho bức tường. Theo ước tính, bức tường dọc theo 3.200km của biên giới cần 23 tỷ USD.
Ông Becerra gọi việc làm của Tổng thống Donald Trump là “đơn phương cướp tiền của người đóng thuế mà Quốc hội đã dành riêng cho người dân”. Trong khi đó, ông Newsom chỉ trích chính Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một cuộc khủng hoảng phục vụ cho mục đích chính trị, để thực hiện cam kết khi ông tham gia vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Nhiều chuyên gia nhận định việc Tổng thống Mỹ khăng khăng phải xây dựng bức tường như cam kết tranh cử chỉ là để lấy lòng cử tri khi năm 2020, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ và chuẩn bị cho cuộc đua nhiệm kỳ mới đang đến gần.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng Tổng thống Mỹ có khả năng sẽ phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý dai dẳng, thậm chí kéo dài tới khi ông Donald Trump vận động tái tranh cử tổng thống năm 2020. Trước sức ép lớn như vậy, Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định ông có “toàn quyền”, rằng ông sẽ giành chiến thắng trong vụ kiện. Với những diễn biến trên, có thể nói bức tường biên giới thực sự là nỗi ám ảnh của ông Donald Trump. Vì nó, ông từ chối mọi thỏa hiệp, trong đó có việc sẵn sàng chấp nhận để Chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng đóng cửa kéo dài chưa từng có từ trước đến nay.