Trong sự trở lại khá nhộn nhịp của thị trường tranh, một số không gian triển lãm tại TPHCM thu phí khi xem triển lãm dần nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người xem. Sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, trưng bày, cùng phục vụ đi kèm như hòa nhạc, tiệc trà cho khách tham quan nên nhiều người vui vẻ với mức phí bỏ ra. Mặc dù con số chỉ vài trăm ngàn đồng cho mỗi vé, nhưng cũng là một tín hiệu khả quan cho các không gian triển lãm từng bước chỉn chu hơn. Trước đây, phí xem triển lãm chưa bằng một ly trà sữa nhưng không ít ý kiến chỉ trích vì triển lãm chưa đủ chất để thu phí.
Theo chia sẻ của giới sưu tập, từ sau đại dịch Covid-19, lượng khán giả quan tâm đến nghệ thuật và đầu tư ngày càng nhiều. Còn phía các đại diện, quản lý phòng tranh, không gian triển lãm phân tích, không hẳn người xem nào đến với triển lãm đều trở thành khách hàng tiềm năng. Nhưng bước căn cơ cho một thị trường cơ bản, trước hết cần sự ủng hộ và cảm thụ nghệ thuật từ công chúng, còn chuyện thương mại là lộ trình tính toán lâu dài.
Tại thị trường Việt Nam, tính thanh khoản có nghĩa là khả năng chuyển đổi từ bức tranh thành tiền khó khăn đến độ gần như bằng không. Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng ta đang trong một nền mỹ thuật sơ khai, thiếu các thành phần hỗ trợ để có được một thị trường nghệ thuật thứ cấp. Một tác phẩm nghệ thuật có thể là hoạt động mua bán giữa người sưu tập qua trung gian mà không phải trực tiếp giữa nghệ sĩ và người sưu tập như: các nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên, hay gallery đúng nghĩa… Và hệ quả là thiếu cả các tham chiếu tin cậy về giá cả và giá trị lượng hóa tài chính minh bạch”.
Từng bước để chuyên nghiệp cho thị trường mỹ thuật vẫn còn là câu chuyện dài. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp về chất lẫn lượng ở các triển lãm cho thấy một tín hiệu sáng để hình thành từng bước cơ bản cho một thị trường nghệ thuật uy tín, đủ tầm để nâng giá trị và trị giá cho tác phẩm nghệ thuật trong nước. Dù mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng.