Cà Mau sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trương, nhiều tiềm năng phát triển và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, chế biến, xuất khẩu tôm giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước nhiều năm.

Theo kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) của tỉnh Cà Mau năm 2022 tiếp tục đạt trên 1 tỷ USD. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, một trong những giải pháp của tỉnh Cà Mau là tập trung phát triển mô hình nuôi tôm - rừng sinh thái, nuôi tôm chất lượng cao. Hiện diện tích nuôi tôm sinh thái được các tổ chức chứng nhận hơn 19.000ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP… Sản phẩm được nhiều thị trường cao cấp ưa chuộng và đánh giá cao.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, tôm, cua, lúa, chuối, gỗ là những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo đó, cua Cà Mau nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại Cà Mau, cua Năm Căn được xem là ngon nhất. Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” vào năm 2015. Hiện địa phương đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển sản phẩm có nhiều lợi thế này.

Nhiều năm qua, các chuyên gia về biến đổi khí hậu khi đến Cà Mau rất ấn tượng với mô hình sản xuất lúa - tôm. Đây được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Huyện Thới Bình có tiềm năng lớn để phát triển mô hình này (xen canh lúa - tôm càng xanh, lúa - tôm sú). Năm 2021, diện tích sản xuất lúa - tôm ở huyện Thới Bình đạt hơn 18.500ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa - tôm toàn tỉnh Cà Mau. Các loại giống lúa chủ yếu sử dụng mô hình lúa - tôm như ST24, ST25, OM 2517…

Theo Phòng NN-PTNT huyện Thới Bình, hiệu quả mô hình lúa - tôm tăng dần qua từng năm. Theo đó, bình quân năng suất lúa từ 3,8 tấn/ha vào năm 2013 tăng lên 4,8 tấn/ha vào vụ mùa năm 2021. Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển từ hình thức nuôi quản canh truyền thống sang quản canh cải tiến đã đạt 320kg/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đây. Giai đoạn 2013-2021, thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa - tôm sú đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm. Còn năng suất tôm càng xanh bình quân đạt 150-220 kg/ha, mang lại nguồn thu nhập cho nông hộ bình quân từ 15-25 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, để mô hình lúa - tôm phát triển bền vững trong thời gian tới, huyện tập trung vào những giải pháp như: áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung chuyển giao các kỹ thuật rửa mặn trên đất nuôi tôm cho bà con nông dân; cơ cấu lại giống lúa, tập trung những giống lúa ngắn ngày, chịu mặn, kháng sâu bệnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.

Đặc biệt, chú trọng chọn giống lúa sản xuất đáp ứng thị trường tiêu thụ. Tăng cường đầu tư, nạo vét hệ thống kênh thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ gắn với liên kết - tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng công tác mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với phát triển nhãn hiệu chứng nhận “lúa sạch Thới Bình”, lúa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục