Các đơn vị cấp nước trực thuộc Sawaco: Sức bật từ cổ phần hóa

Không còn “trông chờ” cấp trên
Các đơn vị cấp nước trực thuộc Sawaco: Sức bật từ cổ phần hóa

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm lành mạnh hóa hoạt động tài chính của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tự chủ trong hoạt động của mình và người lao động được trở thành chủ sở hữu. Thực hiện chủ trương này, nhiều đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã phát triển vượt bật sau khi cổ phần hóa.

Nụ cười của nhân viên Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn khi phục vụ khách hàng. Ảnh: CT

Nụ cười của nhân viên Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn khi phục vụ khách hàng. Ảnh: CT

Không còn “trông chờ” cấp trên

Giai đoạn 5 năm cổ phần hóa của các đơn vị cấp nước trực thuộc Sawaco (từ 2007 đến 2011) có nhiều khó khăn đan xen với thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lại nhiều hơn. Các doanh nghiệp hoạt động từ mô hình hoạch toán phụ thuộc sang mô hình hoạch toán độc lập, giai đoạn đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Chưa kể, liên tục trong những năm qua nền kinh tế gặp nhiều biến động đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh phân phối nước sạch của các đơn vị, nhất là khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Nhìn ở góc độ của người quản lý, một lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn chia sẻ: “Từ cơ chế bao cấp, trông chờ, xin ý kiến của cấp trên bước sang hình thức cổ phần nên thách thức lớn nhất vẫn là làm sao nhanh chóng thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ viên chức phù hợp với cơ chế hoạt động trong xu thế mới – xu thế hội nhập. Cạnh đó, với tình hình mới đòi hỏi từ cán bộ quản lý điều hành đến đội ngũ công nhân phải năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước lãnh đạo công ty, phải loại bỏ nhanh tư tưởng trông chờ cấp trên, vốn đã hình thành trong cơ chế bao cấp của một đơn vị phụ thuộc”.

Riêng chị Lê Thị Hồng Nhung (Phòng Kế toán – Tài chính Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân) nhớ lại: “5 năm trôi qua biết bao khó khăn thử thách, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhớ lại những ngày đầu mới cổ phần hóa - sự chuyển mình từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, chúng tôi được cùng hòa nhập vào không khí làm việc gấp rút, khẩn trương để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là vai trò ban kế toán. Tôi và 1 bạn nữa được phân công giải trình số liệu vật tư thừa thiếu thời điểm năm 2005 - một trong vô số công việc mà công ty phải giải quyết để chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa.

Nhìn những con số chênh lệch quá lớn mà không biết phải bắt đầu từ đâu tôi thấy những công việc tưởng như rất đơn giản giờ lại trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Nào là chênh lệch thiếu 1,8 tỷ, nào là chênh lệch thừa …”. Trong khi đó, đối với Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, đơn vị phụ trách quản lý cấp nước cho địa bàn rộng với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt nên gặp nhiều thách thức trong nguồn vốn đầu tư phát triển mạng cấp nước đáp ứng nhu cầu của nhân dân…

Nhiều đột phá

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực hết mình, sự chung sức chung lòng, đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời của công ty mẹ – Sawaco cùng các đối tác, chính quyền địa phương… các đơn vị đã từng bước vượt qua khó khăn, hoạt động kinh doanh dần đi vào ổn định và phát triển. Căn cứ vào đặc thù của đơn vị mình, từng công ty cổ phần đã định hướng chiến lược phát triển phù hợp. Tất cả những đơn vị này đã đạt được những thành quả ấn tượng sau 5 năm cổ phần hóa, tạo dấu ấn riêng.

Đối với Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn việc cải cách hành chính, lề lối làm việc, ứng dụng khoa học tiên tiến đã đạt được kết quả ấn tượng. Có thể khẳng định, đơn vị đã mạnh mẽ thực hiện quy chế trả lương khoán sản phẩm, tiền lương, tiền công đã thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, nhờ vậy người lao động đã có được cuộc sống ổn định. Đơn vị cũng mạnh dạn áp dụng chương trình quản lý văn thư bằng ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (phần mềm Edocman).

Cạnh đó, đổi mới phương pháp điều hành sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ đọc số bằng máy handheld thay thế phương pháp đọc số truyền thống ghi chép bằng sổ; xây dựng hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu trên mạng lưới cấp 3 qua truyền thông không dây GPRS, hệ thống thông tin địa lý (GIS) quản lý mạng cấp nước… Về hoạt động sản xuất kinh doanh, độ dài mạng cấp nước đến năm 2011 so với năm 2010 có tốc độ tăng 137,40%; số khách hàng tăng thêm chiếm tỷ lệ 146,72% (cụ thể 71.933 khách hàng mới, tương đương với việc lập 1 chi nhánh). Tăng tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch lên 8,28%. Đối với công tác giảm nước thất thoát, thất thu, công ty đã chủ động kiểm soát nước.

Cụ thể, tại địa bàn quận 6, công ty đã tiến hành khoanh vùng tách mạng 23 DMA, đưa ra nhiều giải pháp như: lắp đặt hệ thống theo dõi áp lực, lưu lượng từ xa qua truyền thông không dây GPRS, đưa vào sử dụng đồng hồ tổng loại điện từ ghi nhận dữ liệu từ xa, sử dụng thiết bị dò bể tiên tiến (bút dò leakpen). Tỷ lệ thất thoát nước đã giảm xuống rõ rệt, có khu vực giảm hẳn xuống gần 20%, điển hình như tại DMA Q6 – 0502, phường 5, tỷ lệ thất thoát nước từ 64% xuống còn gần 20%, tiết kiệm khoảng 29.000m³/tháng.

Riêng Công ty CP Cấp nước Thủ Đức đã có sự phát triển vượt bật trong đầu tư phát triển mạng cấp nước bằng cách làm năng động, quyết liệt của mình. Nếu như cuối năm 2006, trên địa bàn do công ty quản lý còn 8 phường chưa có mạng lưới cấp nước, 13 phường có độ phủ kín mạng lưới từ 30- 50%, 14 phường có tỷ lệ mạng lưới đạt trên 70% thì đến cuối năm 2011 trên địa bàn hoàn toàn không còn phường “trắng” chưa có mạng lưới cấp nước, 18/24 phường của quận 9, Thủ Đức được phủ kín mạng lưới trên 90%. Tại quận 2, ngoại trừ 5 phường giải tỏa trắng và giải tỏa một phần để thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, 6 phường còn lại đều được phủ kín mạng lưới cấp nước từ 70 % - 90%.

Tạo sức bật từ khoa họa công nghệ

Đối với Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân, điểm nổi bật của đơn vị này chính là việc ứng dụng liên tục khoa học công nghệ vào công tác quản lý, kinh doanh, chăm sóc khách hàng. Để quản lý 87.000 khách hàng trên địa bàn, công ty đã tự xây dựng chương trình quản lý hóa đơn tiền nước, chương trình quản lý đồng hồ nước, chương trình lập dự toán công trình và dự toán lắp đặt đồng hồ nước khách hàng, chương trình quản lý vật tư, chương trình kế toán… Công ty cũng đã sử dụng phần mềm AutoCAD trong thiết kế hệ thống cấp nước và cập nhật hệ thống mạng lưới cấp nước.

Nếu như trước đây, họa đồ mạng lưới cấp nước với các thông tin về đường ống, van, trụ cứu hỏa, đồng hồ nước và các thiết bị khác được lưu trữ trên giấy với các tỷ lệ không đồng bộ, rời rạc, khó hệ thống thì nay họa đồ mạng lưới cấp nước được xây dựng hoàn chỉnh với nhiều tỷ lệ. Các số liệu về vị trí, kích thước, vật liệu được ghi chú cụ thể chi tiết, tạo nên sự minh bạch, rõ ràng cho họa đồ.

Tiếp đó, công ty sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Access để xây dựng phần mềm quản lý tài sản mạng cấp nước “Aqualy”. Trong đó tất cả các số liệu về đường ống, van, trụ cứu hỏa, hầm xả cặn, trạm bơm tăng áp, ống ngánh, đồng hồ tổng, đồng hồ khách hàng… đều được mã hóa và lưu trữ trên máy tính, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tra cứu, thống kê, quản lý vận hành, xây dựng kế hoạch cải tạo, phát triển mạng lưới cấp nước và quản lý đồng hồ khách hàng.

Nếu như họa đồ mạng lưới cấp nước chỉ thể hiện được các chi tiết trên mặt bằng và không có chức năng tra cứu, thống kê thông tin về mạng lưới cấp nước, thì phần mềm quản lý tài sản mạng lưới cấp nước lại có chức năng về thống kê, quản lý dữ liệu. Qua các số liệu thống kê này mà lãnh đạo đơn vị có các kế hoạch để vận hành mạng lưới tốt hơn. Họa đồ mạng lưới cấp nước và phần mềm quản lý tài sản mạng lưới cấp nước bổ sung cho nhau đáp ứng được tất cả các nhu cầu về quản lý của mạng lưới cấp nước.

Công ty cũng đang xây dựng trung tâm chăm sóc khách hàng CCIS (Customer Care Information System) để triển khai dịch vụ chăm sóc khách hàng, hotline, cung cấp thông tin kinh tế, kỹ thuật, cho khách hàng thông qua hộp thư thoại & giao dịch viên, tư vấn trực tuyến,  tra cứu tiền nước, lưu lượng nước sử dụng… Chương trình này hứa hẹn khách hàng được chăm sóc một cách toàn diện nhất.

Đinh – Gia – Anh

Tin cùng chuyên mục