Cải cách vì dân

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, sau khi kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), các bộ ngành, địa phương phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC. Tính đến nay, giai đoạn 2 của đề án đã kết thúc, kết quả tự rà soát cho thấy, đa số các bộ ngành, địa phương đều kiến nghị đơn giản hóa TTHC vượt quá con số 30% mà Thủ tướng giao.

Con số về tiết kiệm chi phí sau khi cải cách càng khẳng định đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chẳng hạn, ở Bộ GTVT, sau rà soát số lượng TTHC có phương án đơn giản hóa là 404/409; chi phí tiết kiệm là gần 5.000 tỷ đồng/năm, đạt 30,6%. Phương án đơn giản hóa 148 TTHC ở Bộ Công an dự kiến sẽ tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng/năm, giảm chi phí 30,2%. Đó là chưa kể đến kết quả rà soát TTHC ở nhiều địa phương, cũng đạt kết quả cao. Tại TPHCM, qua rà soát đã kiến nghị đơn giản hóa 1.770/2.504 TTHC, vượt 2 lần so với chỉ tiêu Thủ tướng giao. Tương tự, Hà Nội có khối lượng TTHC lớn thứ hai trên toàn quốc (sau TPHCM), cũng đã kiến nghị đơn giản hóa tới 1.292/1.816 TTHC.

Xét về phương diện kinh tế, kết quả rà soát và kiến nghị đơn giản hóa TTHC ở các bộ ngành, địa phương đã đạt kết quả vượt mong đợi. Ở giai đoạn 1, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kết quả rà soát 256 TTHC ưu tiên cho thấy việc đơn giản hóa các TTHC có thể tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp số tiền tới hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm. Còn ở giai đoạn 2, khi đơn giản hóa trên 5.500 TTHC còn lại, số tiền tiết kiệm được có thể lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đó mới chỉ là số tiền có thể tính toán được, còn trên thực tế việc cải cách TTHC còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân và xã hội.

Trên thực tế, nhiều khi chỉ vì một TTHC bất hợp lý, người dân và doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại mới có thể đạt được kết quả. Cơ hội kinh doanh, đầu tư bị mất đi vì tình trạng “hành là chính”  là không nhỏ. Ngoài tiết kiệm chi phí, Đề án 30 đã mang lại một hình ảnh mới, một tư duy mới về quản lý nhà nước. Việc cải cách hành chính cũng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới trong việc thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2 của Đề án 30 đã hoàn thành, nhưng chất lượng các phương án đơn giản hóa TTHC của các bộ ngành, địa phương còn chờ câu trả lời sau khi Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đưa ra đánh giá độc lập trước khi trình Thủ tướng (thời hạn là trước ngày 30-5-2010). Nguyên tắc chung là phải tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước. Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các phương án cải cách TTHC trong quý 3-2010, trước khi giao cho các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện (giai đoạn 3 của Đề án 30).

Điều quan trọng là Đề án 30 đã đánh dấu nền tảng mới về TTHC nước ta. Trong giai đoạn tới, chắc chắn sẽ có nhiều TTHC mới ra đời và những TTHC đó cần thực hiện những nguyên tắc mà Đề án 30 đề ra. TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã đúc kết vấn đề này như sau: “Mỗi một công chức khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần trả lời 4 câu hỏi. Một, vấn đề cần xử lý là gì? Hai, xử lý vấn đề đó bằng công cụ nào? Ba, các chi phí và lợi ích của từng giải pháp là gì? Cuối cùng, tìm ra cái rẻ nhất, tốt nhất để đạt được mục tiêu”.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục