Cảm nhận hạnh phúc của mỗi người

Cảm nhận hạnh phúc của mỗi người

Thời gian gần đây, từ cộng đồng mạng đến các công sở, quán nhậu... bàn tán về phát ngôn của nhà văn Trang Hạ liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Có lẽ đây không phải là lần đầu tiên và chắc cũng không phải là lần cuối nhiều người cùng tham gia bình luận về vấn đề này.

Có nhiều quan điểm được đưa ra để tranh luận thế nào là bình đẳng giới, đặc biệt trong cuộc sống gia đình. Rằng thời buổi hiện đại, 2 vợ chồng cùng đi làm cực nhọc như nhau, vì thế khi về nhà vợ chồng phải bình đẳng, người chồng phải biết chia sẻ công việc nhà với vợ chứ không chỉ nằm đọc báo, xem ti vi sau khi đi làm về còn tất cả công việc nội trợ bếp núc “để dành” cho vợ. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, đàn ông ra ngoài làm việc vất vả hơn, họ là trụ cột gia đình vì thế được ưu ái không phải làm những công việc trong gia đình... Cũng có người lại cho rằng, hiện nay nam hay nữ khi ra ngoài làm việc đều chịu áp lực công việc như nhau, cả 2 vợ chồng cùng gánh vác trách nhiệm xã hội, cùng kiếm tiền như nhau, thậm chí không ít phụ nữ còn kiếm tiền nhiều hơn chồng và là trụ cột tài chính của gia đình... chính vì thế, công việc gia đình phải được chia sẻ cho cả 2. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi quan điểm sẽ đúng cho từng gia đình cụ thể và rất khó để có một mẫu chung cho tất cả mọi người.

Một vấn đề không kém phần quan trọng khi bàn về bình đẳng vợ - chồng trong gia đình là cảm nhận của các thành viên khi làm công việc ở nhà. Sẽ có rất nhiều người chồng, người cha thực sự vui khi được chia sẻ công việc bếp núc với vợ, với con. Họ coi đó là cách thể hiện tình yêu thương của mình với các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít người vợ cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc chồng con và không muốn chồng mình phải vào bếp, phải lo chuyện rửa chén, lau nhà... và đó là chuyện của mỗi gia đình và chỉ có họ mới cảm nhận và điều chỉnh trong mối quan hệ vợ chồng.

Không thể cứ nhìn thấy anh chồng nằm xem ti vi trong khi vợ nấu cơm mà nói rằng vợ chồng nhà ấy không bình đẳng, rằng vợ bị ép, bị buộc phải làm. Và không thể cứ nhìn thấy người chồng lau nhà, rửa bát mà cho rằng anh chồng ấy khổ vì phải làm những công việc lặt vặt của gia đình. Rõ ràng bình đẳng vợ chồng trong gia đình không phải thể hiện ở hành động bên ngoài mà là từ sự nhận thức, sự cảm nhận của mỗi người trong từng gia đình cụ thể.

Mở rộng ra ngoài xã hội, nếu cách đây vài chục năm một người đàn ông làm việc dưới quyền của một phụ nữ thì với không ít người đấy là điều xấu hổ. Cách đây vài chục năm, nhìn thấy một phụ nữ lái xe ô tô là điều lạ lẫm, phụ nữ mà học lên thạc sĩ, tiến sĩ sẽ bị cho là khó lấy chồng vì hiếm người đàn ông nào chịu lấy vợ học cao hơn mình. Còn ngày nay thì sao, biết bao phụ nữ đang là lãnh đạo ở nhiều cấp chính quyền, rất nhiều chủ doanh nghiệp là phụ nữ và việc phụ nữ là giáo sư, tiến sĩ... cũng là chuyện bình thường. Rõ ràng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến bộ vượt bậc trong xây dựng mối quan hệ bình quyền nam nữ. Đây không phải là việc ban phát quyền cho phụ nữ mà là trả lại cho phụ nữ những quyền của họ, để họ phát huy hết khả năng đóng góp cho xã hội.

Quay lại câu chuyện bình đẳng vợ chồng trong gia đình, không thể lấy mẫu gia đình mình để buộc các gia đình khác phải theo, hãy để mỗi gia đình được cảm nhận hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy

Tin cùng chuyên mục