Cần “bệ đỡ” chính sách nâng tầm doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, xác định tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thúc đẩy kinh tế đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và các địa phương cũng tăng cường giải pháp hỗ trợ. 
Doanh nghiệp TPHCM chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại
Doanh nghiệp TPHCM chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại
Tuy nhiên, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành có thể còn khá lâu mới được triển khai và áp dụng vào thực tiễn.

Dẫn chứng cụ thể, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho hay từ năm 2007, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội, nhưng sau đó 2 nhiệm kỳ mới chính thức được đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để kinh tế Việt Nam phát triển, phải xem và nâng tầm doanh nghiệp nhỏ và vừa lên thành doanh nghiệp quốc gia. Từ đó, nghiên cứu giải pháp kết nối cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp đầu ngành cùng hướng đến sự phát triển bền vững. 

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm An Thiên, cho rằng trên thực tế, để nền kinh tế đất nước phát triển, vấn đề quan trọng hơn hết là nội lực của doanh nghiệp nội địa. Trong thời gian qua, Chính phủ có rất nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng tác động chưa tích cực đến doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng này. Đơn cử, hiện nay còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tự giải quyết vấn đề công nghệ, máy móc, thiết bị, quản trị doanh nghiệp… Doanh nghiệp Việt Nam vấp phải thách thức trong cạnh tranh trên thị trường hội nhập là một phần do ít vốn, lại không có tiềm lực nội tại vững chắc… Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ năng chuyên nghiệp để tạo chỗ đứng trên thị trường bằng uy tín, thương hiệu và giá trị gia tăng của sản phẩm. 

TPHCM đã và đang định hướng tăng cường hỗ trợ phù hợp cho hoạt động khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành nghề có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết để góp phần thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần phải có hệ thống giáo dục hiện đại tạo ra các nguồn nhân lực đủ kỹ năng và năng lực cần thiết để sẵn sàng làm việc. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực được đào tạo, chất lượng cao; hỗ trợ, tư vấn đổi mới cách thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai về hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn theo chiều sâu để giúp doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, Sở Công thương đã tham mưu UBND TPHCM ban hành Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16-3-2017, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; hoàn thành việc xây dựng và triển khai đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TPHCM đến năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình truyền thông nhằm quảng bá, giới thiệu và tập trung hỗ trợ phát triển thành các sản phẩm đặc trưng cũng như doanh nghiệp chủ lực của thành phố. Đây cũng là cơ sở xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh.
Thống kê từ đầu năm 2018 đến ngày 15-3, TPHCM đã cấp phép cho 7.830 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 95.224 tỷ đồng, tăng 6,3% về số lượng và tăng 5,6% về vốn. Trong đó, 9 ngành dịch vụ (5.609 doanh nghiệp) với vốn đăng ký 74.408 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2018, thành phố cũng có 520 doanh nghiệp giải thể, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; chuyển đi tỉnh, thành khác 243 doanh nghiệp; ngưng hoạt động 1.085 doanh nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục