
Kiểm soát từ gốc
Theo thống kê từ Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm tại hệ thống Saigon Co.op. Con số này không chỉ thể hiện vị thế của một thương hiệu bán lẻ quốc dân, mà còn là minh chứng rõ nét cho sự tin cậy mà người tiêu dùng (NTD) dành cho hệ thống này suốt hơn 30 năm qua. Theo ông Dương Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đằng sau niềm tin ấy là cả một chuỗi hành động không ngừng nhằm kiểm soát đầu vào, giữ vững chất lượng và đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu. “Tiêu chí của chúng tôi là phải đóng vai trò gác cửa”, ông Dương Minh Quang chia sẻ tại tọa đàm Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp được tổ chức mới đây ở TPHCM.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2025 đến nay đã có rất nhiều vụ hàng kém chất lượng, hàng giả liên quan đến thực phẩm như sữa, gạo, cà phê… bị phát hiện. Các vụ việc cho thấy thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi: từ làm giả bao bì đến pha trộn phụ gia cấm, nhắm vào những sản phẩm được NTD ưa chuộng và khó phân biệt. Giữa bức tranh thị trường đầy rủi ro đó, vai trò kiểm soát của các nhà bán lẻ chính danh trở nên đặc biệt quan trọng - như những “chốt chặn” cuối cùng bảo vệ NTD khỏi các sản phẩm trôi nổi. Với Saigon Co.op, trách nhiệm ấy được thực thi bằng quy trình kiểm soát đầu vào nghiêm ngặt và sự đồng hành chặt chẽ với từng nhà cung cấp. “Mọi sản phẩm muốn đưa ra thị trường đều phải có hồ sơ công bố, tiêu chuẩn chất lượng và pháp lý đi kèm. Chúng tôi không chỉ xét giấy tờ, mà còn trực tiếp đến nơi sản xuất để kiểm tra vùng nguyên liệu”, ông Quang nhấn mạnh.
Không dừng lại ở kiểm tra định kỳ, Saigon Co.op còn chủ động phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức lớp học, buổi phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, giúp nâng cao ý thức và chuẩn hóa quy trình sản xuất, đóng gói ngay từ phía nhà cung ứng.
Chuẩn hóa chuỗi cung ứng
Không dừng lại ở quy trình kiểm soát nội bộ, Saigon Co.op còn chủ động tham gia và thúc đẩy các sáng kiến định hình chuẩn mực mới cho thị trường thực phẩm. Một trong những chương trình nổi bật là “Tick xanh trách nhiệm” - mô hình phân loại, nhận diện và nâng chuẩn hàng hóa dựa trên nguyên tắc an toàn, trách nhiệm, minh bạch, do Sở Công thương TPHCM khởi xướng giữa năm 2024. Ngay khi chương trình được phát động, Saigon Co.op đã trở thành nhà bán lẻ tiên phong tham gia. Không chỉ vì tính cấp thiết trong kiểm soát chất lượng đầu vào, mà còn bởi đây là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội, cả ở vai trò phân phối và vai trò dẫn dắt thị trường.
Sau 1 năm triển khai, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” tại TPHCM đã ghi nhận 11 hệ thống bán lẻ, hơn 300 nhà cung cấp và trên 2.000 sản phẩm đạt chuẩn tham gia. Riêng tại hệ thống Saigon Co.op, đến nay đã có 60 nhà cung cấp tham gia, với hàng trăm sản phẩm được dán nhãn tick xanh và được trưng bày tại khu vực riêng trong các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên toàn quốc.
Theo đại diện Saigon Co.op, tick xanh không chỉ là một nhãn hiệu, mà là một hệ thống cam kết. Mỗi sản phẩm đạt tick xanh đều đã vượt qua nhiều tầng kiểm tra, từ chất lượng nguyên liệu đầu vào, vùng sản xuất, hồ sơ pháp lý đến khả năng truy xuất nguồn gốc. Đây là lớp bảo vệ bổ sung, nâng cao niềm tin và giúp NTD dễ dàng nhận diện hàng hóa đáng tin cậy. Song song đó, Saigon Co.op cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại điểm bán, trên nền tảng số và qua đội ngũ tư vấn viên để giải thích rõ cho NTD về ý nghĩa của nhãn. Không còn đơn thuần là dấu phân biệt, tick xanh trở thành tín hiệu giúp NTD lựa chọn có hiểu biết, trong bối cảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn len lỏi trên thị trường.
Tick xanh cũng được kỳ vọng tạo nên áp lực tích cực trong chuỗi cung ứng. Bởi khi NTD bắt đầu đặt câu hỏi “Sản phẩm này có tick xanh không?”, thì nhà sản xuất, nhà cung cấp sẽ chủ động điều chỉnh quy trình, nâng cao chất lượng để theo kịp yêu cầu.
Từ người tham gia đến đơn vị điều phối
Cuối tháng 6-2025, Saigon Co.op được Sở Công thương TPHCM ủy quyền quản lý chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, chính thức trở thành đơn vị điều phối xét duyệt tick xanh cho các nhóm ngành hàng. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho nỗ lực kiểm soát chất lượng của hệ thống bán lẻ hợp tác xã, mà còn là bước ngoặt cho mô hình “gác cửa từ gốc” mà Saigon Co.op đang theo đuổi.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, việc ủy quyền nhằm phát huy vai trò chủ động của các nhà phân phối trong việc lựa chọn, sàng lọc doanh nghiệp và sản phẩm đủ điều kiện để gắn tick xanh trước khi đưa vào hệ thống. Các đơn vị phân phối sẽ là “người gác cổng” đầu tiên, góp phần kiểm soát chất lượng hàng hóa từ đầu vào. Theo Saigon Co.op, việc chuyển từ vai trò tham gia sang điều phối đánh dấu một bước chuyển quan trọng - từ thực hành nội tại sang định hình tiêu chuẩn ngành. Theo đó, Saigon Co.op sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng để cập nhật tiêu chí đánh giá phù hợp thực tiễn, hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà cung cấp, duy trì kiểm tra định kỳ với từng nhóm sản phẩm.
Với sự hỗ trợ từ phần mềm quản lý nhà cung cấp sản phẩm tick xanh do Sở Công thương phát triển, Saigon Co.op đang số hóa toàn bộ quy trình kiểm tra, đánh giá và lưu trữ thông tin sản phẩm, đảm bảo truy xuất nhanh chóng và minh bạch khi có yêu cầu. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực kiểm tra thủ công, mà còn tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng, NTD và bản thân nhà cung cấp tra cứu minh bạch. “Chương trình Tick xanh trách nhiệm không chỉ là sáng kiến quản lý mà còn là cơ hội để xây dựng một thị trường thực phẩm văn minh, có trách nhiệm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai rộng rãi trên toàn hệ thống, các nhà cung cấp của Saigon Co.op sẽ phải tham gia”, đại diện Saigon Co.op, cho biết.
Tuy nhiên, để chương trình lan tỏa mạnh mẽ và tạo sức bật thực sự, nhiều ý kiến cho rằng cần truyền thông rộng rãi để tăng độ nhận diện, đồng thời kêu gọi sự tham gia của cả hệ sinh thái. “Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, mà cả đơn vị cung cấp vật tư đầu vào như phân bón, bao bì, phụ gia... cũng nên mời gọi tham gia. Bởi chuỗi thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ hạt giống, chứ không thể chỉ là thành phẩm”, đại diện Saigon Co.op đề xuất.