
Lớn hơn, khác biệt hơn
Việc hợp nhất 3 địa phương TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đơn thuần là thay đổi địa giới hành chính mà đánh dấu sự hình thành một siêu đô thị có quy mô dân số hơn 14 triệu người và GRDP hơn 2,7 triệu tỷ đồng. Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, tổng mức bán lẻ của khu vực TPHCM hiện chiếm khoảng 25% cả nước. Sau khi mở rộng không gian địa lý và dân cư, thực thể TPHCM mới được kỳ vọng trở thành trung tâm tiêu dùng cấp khu vực.
Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhận định, TPHCM không chỉ hướng tới vị trí trung tâm tiêu dùng của Việt Nam, mà còn có thể cạnh tranh với các thành phố lớn ở Đông Nam Á, nếu biết khai thác tốt hệ sinh thái nội địa. Ông khẳng định, việc hợp nhất sẽ giúp thị trường tiêu thụ tại TPHCM lớn hơn, doanh nghiệp bán lẻ như Saigon Co.op sẽ chủ động phương án để hài hòa với không gian phát triển mới, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tuy nhiên, theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, vấn đề lớn nhất không phải là dân số hay GDP, mà là thể chế và hạ tầng thương mại chưa đủ đồng bộ để tận dụng hết tiềm năng siêu đô thị. Nếu không có cách tiếp cận khác biệt, thị trường mới vẫn sẽ hoạt động theo lối cũ, rời rạc, phân mảnh, thiếu liên kết. Thực tế đã chứng minh, hành vi tiêu dùng của TPHCM mới rất đa dạng và không thể áp dụng một công thức chung. Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ cho thấy, chỉ riêng ngành nước giải khát, TPHCM cũ chiếm 18,3% doanh thu toàn quốc, trong khi tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ đóng góp thêm 4%; nhưng tỷ trọng chi tiêu cho các mặt hàng cụ thể như sữa, bia, thuốc lá lại khác biệt rõ giữa các địa phương này. Đây chính là thách thức cho bất kỳ hệ thống bán lẻ nào muốn “phủ sóng” toàn vùng.
Đủ lực sẽ đi đường dài
Những dẫn chứng trên cho thấy, thị trường nội địa sau sắp xếp không chỉ đòi hỏi quy mô hệ thống, mà còn đòi hỏi khả năng thích ứng sâu - từ mô hình hậu cần đến văn hóa tiêu dùng.Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường đang bước vào giai đoạn “đồng thời chuyển động”: người tiêu dùng thay đổi, đô thị thay đổi, chuỗi cung ứng thay đổi, thể chế cũng bắt đầu thay đổi.
Trong bức tranh này, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào số lượng điểm bán hay chiến lược mở rộng đại trà, mà cần một hệ thống phân phối đủ thông minh để tự điều chỉnh theo địa bàn, nhu cầu tiêu dùng và nhịp phát triển đô thị. Sự trụ vững và thích ứng của hệ thống bán lẻ sẽ không còn được đo bằng mức độ phủ, mà bằng khả năng bám sát biến động thị trường và duy trì kết nối với chuỗi giá trị nội địa. Đó là lý do khiến những mô hình bán lẻ nội địa có chiều sâu không chỉ vững ở quy mô mà linh hoạt ở vận hành - ngày càng được nhìn nhận như nền tảng mềm của cấu trúc thị trường mới.
Và, không phải ngẫu nhiên mà một chuỗi bán lẻ như Saigon Co.op lại được đánh giá cao. Dữ liệu báo cáo hồi đầu năm nay của Saigon Co.op cho thấy, không chỉ là đơn vị thuần Việt, của người Việt lập ra và vận hành, với hơn 800 điểm bán trải đều từ trung tâm đến vùng ven. Mô hình không chỉ tồn tại bằng quy mô, mà bằng sự bền bỉ của một chuỗi phân phối vừa phục vụ thị trường, vừa giữ vai trò bình ổn, vừa kết nối hàng Việt đến người tiêu dùng. Điểm đặc biệt của Saigon Co.op không nằm ở mô hình siêu thị hay cửa hàng tiện lợi cụ thể, mà ở cách hệ thống này điều chỉnh mạng lưới để bám sát sự vận động của đô thị và người dân. Trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống này không đóng vai trò giữ nhịp cung ứng - bằng chính mạng lưới phân phối địa phương, nhân lực địa phương và hàng hóa nội địa.
Với nền tảng vận hành ổn định và khả năng điều phối linh hoạt đã được chứng minh, Saigon Co.op bước vào năm 2025 với một mục tiêu phát triển rõ ràng: hoàn tất mạng lưới 1.000 điểm bán trên toàn quốc. Kế hoạch này không đơn thuần là tăng hiện diện, mà hướng đến tái cấu trúc toàn bộ mạng lưới theo định hướng đa trung tâm của TPHCM mới. Theo đó, các khu vực dân cư mở rộng như phía Tây (huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũ) và phía Nam (huyện Nhà Bè cũ) - vốn đang trở thành các cực phát triển mới của đô thị sẽ là ưu tiên trong chiến lược mở rộng. Việc mở thêm điểm bán tại các vùng chuyển hóa nhanh từ nông thôn sang đô thị không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách cung - cầu, mà còn hỗ trợ định hình thói quen tiêu dùng văn minh, gắn với không gian sống mới của cư dân đô thị.
Quan trọng hơn, Saigon Co.op không xem các điểm bán mới là “cửa hàng”, mà là nút kết nối của một không gian tiêu dùng thông minh - nơi hành vi mua sắm được phân tích, dự báo và đáp ứng bằng công nghệ. Việc tích hợp các giải pháp số trong quản lý hàng hóa, phân tích dữ liệu tiêu dùng đến điều phối hậu cần đã giúp hệ thống này rút ngắn thời gian phản ứng với biến động thị trường, đặc biệt trong đô thị có mật độ tiêu dùng cao như TPHCM. Bên cạnh đó, việc kiên trì đồng hành cùng chuỗi cung ứng nội địa, từ sản phẩm OCOP, nông sản vùng miền đến các mặt hàng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng cũng đang tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho Saigon Co.op trong giai đoạn hậu sáp nhập. Đây là lựa chọn chiến lược không chỉ để tối ưu chi phí, mà còn để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.