Hàng nhãn riêng vào “cuộc chơi” chất lượng

Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt bởi người tiêu dùng (NTD) chi tiêu thận trọng nhưng đòi hỏi ngày càng cao hơn. Chính vì thế, hàng nhãn riêng đang được các nhà bán lẻ phát triển theo hướng tối ưu hóa chất lượng, gắn sát nhu cầu từng nhóm NTD.

Người tiêu dùng lựa chọn hàng nhãn riêng tại một siêu thị Co.opmart, TPHCM
Người tiêu dùng lựa chọn hàng nhãn riêng tại một siêu thị Co.opmart, TPHCM

Từ lựa chọn tiết kiệm đến niềm tin vào sản phẩm

Chị Nguyễn Thu Hạnh (phường Hiệp Bình, TPHCM) có thói quen đi siêu thị mỗi dịp cuối tuần để mua sắm thực phẩm và đồ dùng cho cả nhà. Với chị, Co.opmart không chỉ là nơi mua hàng quen thuộc mà còn là nơi tin tưởng lựa chọn những sản phẩm phù hợp túi tiền và nhu cầu sử dụng. “Giỏ hàng của tôi chủ yếu là hàng thiết yếu nhãn riêng như đường RS Co.op Happy, dầu thực vật Co.op Select… bởi phù hợp về chất lượng lẫn giá cả”, chị Hạnh chia sẻ. Chị Hạnh cũng quan tâm đến sản phẩm mới là khăn giấy rút đa năng Co.op Select vừa ra mắt, giá dùng thử 29.000 đồng/gói (giá gốc 45.000 đồng). Thử mua về dùng chị khá hài lòng khi giấy mềm, dày, hút tốt lại tiện treo tường. Tương tự, anh Trần Đức Hòa (phường Tân Mỹ, TPHCM) cho biết, anh thường chọn mua cà phê và bánh gạo Co.op Finest vì hương vị hợp sở thích, giá lại không bị đội lên như hàng thương hiệu lớn. Theo anh, hàng nhãn riêng bây giờ không thua kém gì hàng hiệu, mà giá mềm hơn.

Chính sự tin tưởng của những khách hàng như anh Hòa, chị Hạnh đã và đang tạo chỗ đứng cho hàng nhãn riêng. Theo ghi nhận tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... hàng loạt sản phẩm gắn nhãn Co.op Happy, Co.op Select, Co.op Finest… ngày càng được NTD chủ động lựa chọn nhờ chất lượng ổn, giá hợp lý và đặc biệt là phát triển bám sát nhu cầu thực tế.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc phát triển hàng nhãn riêng Saigon Co.op, cho biết, đến thời điểm hiện tại, hệ thống hàng nhãn riêng của Saigon Co.op đã vượt mốc hơn 1.000 mặt hàng, chia thành 3 nhóm chính: Co.op Happy (phổ thông), Co.op Select (trung cấp) và Co.op Finest (cao cấp). Tất cả đều được xây dựng trên tiêu chí rõ ràng: thấu hiểu nhu cầu - kiểm soát chất lượng - tối ưu giá thành. “Chúng tôi không phát triển hàng nhãn riêng theo cảm tính, mà dựa vào dữ liệu hành vi tiêu dùng, phản hồi thị trường và nhu cầu ở từng phân khúc. Việc nghiên cứu sâu sát giúp sản phẩm vừa đúng lúc, vừa đúng nhu cầu nên NTD ngày càng tin chọn”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh và cho biết, để đưa được một sản phẩm hàng nhãn riêng ra thị trường với chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh, Saigon Co.op phải làm việc chặt chẽ với đối tác từ khâu dự báo nhu cầu, lên kế hoạch cung ứng đến đàm phán mua nguyên liệu với số lượng lớn để giảm chi phí đầu vào và ổn định giá thành.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, một trong những đơn vị sản xuất hàng nhãn riêng lâu năm của Saigon Co.op, khẳng định, hợp tác sản xuất hàng nhãn riêng là hướng đi bền vững. “Mỗi năm chúng tôi đều có mức tăng trưởng ổn định khi làm hàng nhãn riêng cho Co.opmart. Khác với bán qua kênh thị trường mở, khi hợp tác với Saigon Co.op, chúng tôi được hỗ trợ về vốn, đặt hàng dài hạn và có kế hoạch sản xuất rõ ràng”, ông Thiện nói.

Tập trung đi theo chiều sâu

Năm 2025, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chịu sức ép kép khi chi phí đầu vào tăng và NTD ngày càng siết chặt hầu bao. Sau một giai đoạn dài bị ảnh hưởng bởi lạm phát và biến động kinh tế toàn cầu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, NTD hiện nay đặt ra tiêu chí khắt khe hơn: sản phẩm phải vừa tốt, vừa đáng tiền.

Theo các chuyên gia ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), áp lực hiện nay không chỉ đặt lên vai các nhà sản xuất mà cả nhà phân phối. Doanh nghiệp không thể chỉ tạo ra sản phẩm có tên tuổi, mà buộc phải có giải pháp cân bằng giữa chất lượng - giá thành - tiện ích. Theo đó, hàng nhãn riêng Co.op sẽ đi vào chiều sâu và mỗi ngành hàng phải đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng khác nhau, hướng đến từng nhóm tiêu dùng cụ thể. Chẳng hạn, dòng Co.op Happy sẽ phục vụ phân khúc phổ thông, nhấn mạnh yếu tố giá tốt; dòng Co.op Select phải tiện lợi, cải tiến; trong khi Co.op Finest phải thực sự cao cấp. Ông Hoàng Anh ví dụ, với dòng sản phẩm giặt xả thì tiêu chí cơ bản là làm sạch, nhưng nếu hướng đến khách hàng văn phòng, sản phẩm cần tăng thêm mùi hương hoặc cải tiến cảm giác lưu hương. Còn để có mức giá tốt, bắt buộc phải đạt sản lượng lớn và hợp tác với đúng đối tác - những nhà sản xuất thực sự xem hàng nhãn riêng là chiến lược dài hạn, sẵn sàng đồng hành cùng Saigon Co.op.

Theo ông Võ Hoàng Anh, Saigon Co.op theo đuổi các giá trị bền vững như giảm phát thải, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, đa dạng hóa nguồn cung trong nước. Đây là cách để hàng nhãn riêng không chỉ thay thế hàng thương hiệu lớn, mà tự tạo vị thế riêng với NTD. “Chúng tôi dự định liên kết sản xuất gạo giảm phát thải nhắm vào nhóm khách hàng cao cấp (nhãn Co.op Finest). Việc này ngoài đánh trúng vào tâm lý tiêu dùng bảo vệ môi trường hiện nay, còn nhằm góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ”, ông Hoàng Anh tiết lộ.

Thực tế cho thấy, hàng nhãn riêng đang trở thành xu hướng toàn cầu. Tại các chuỗi bán lẻ hiện đại ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, tỷ lệ hàng nhãn riêng chiếm từ 20-40% cơ cấu doanh thu. Với Saigon Co.op, mục tiêu đặt ra là đưa hàng nhãn riêng trở thành nhóm hàng mũi nhọn, không chỉ về doanh số mà cả về chất lượng và mức độ gắn bó với NTD.

Ông Hoàng Văn Thế, Giám đốc kinh doanh Công ty Sài Gòn Food, chia sẻ, Saigon Co.op đã đồng hành chặt chẽ với đơn vị, từ ý tưởng, thử nghiệm đến cách tiếp cận NTD. Không chỉ phân phối, họ còn giúp giới thiệu sản phẩm ra thị trường một cách hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, việc hợp tác dài hạn qua phát triển hàng nhãn riêng giúp công ty chủ động lên kế hoạch sản xuất và giữ giá ổn định, ngay cả trong giai đoạn chi phí đầu vào tăng cao.

Tin cùng chuyên mục