
Dần định danh trên thị trường
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu đa dạng và bản sắc văn hóa vùng miền đậm nét, Việt Nam không chỉ nổi bật với các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực mà còn sở hữu hàng loạt đặc sản địa phương giàu giá trị. Tuy nhiên, để những sản vật này có thể phát huy hết tiềm năng, cần một cơ chế phát triển bài bản, có định hướng dài hạn. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được ra đời với ý nghĩa như thế. Đến nay, sau hơn 6 năm triển khai, chương trình đã từng bước cụ thể hóa tiềm năng bản địa thành chuỗi sản phẩm có thương hiệu.
Đến hết năm 2024, cả nước đã có 14.642 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với 8.086 chủ thể tham gia. Đáng chú ý, có 79 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Đây không chỉ là những con số tăng trưởng, mà phản ánh xu hướng chuyển dịch từ sản xuất manh mún sang mô hình chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn kỹ thuật và phù hợp với thị hiếu thị trường.
Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), sản phẩm OCOP đã góp phần làm thay đổi tư duy kinh tế nông thôn, thúc đẩy sinh kế ở vùng sâu vùng xa, tạo thêm việc làm cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời khơi dậy tiềm năng đất đai, đặc sản bản địa và di sản văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP hiện nay còn được sáng tạo về mẫu mã, bao bì, hướng đến thị trường xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Để mở rộng không gian tiêu dùng và tạo bệ phóng cho sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đầu tháng 8-2025, đơn vị này sẽ phối hợp tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu (VIETNAM OCOPEX 2025) tại Hà Nội. Hội chợ có quy mô hơn 300 gian hàng của hơn 150 doanh nghiệp, trưng bày các mặt hàng đạt chứng nhận OCOP: chè, cà phê, hàng lưu niệm, các sản phẩm dược liệu, trầm hương, tinh dầu, tinh bột nghệ, các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm sấy khô, tổ yến, các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, dầu xả, serum,...
Theo Cục Xúc tiến thương mại, hội chợ năm nay đặc biệt chú trọng vào việc hướng dẫn doanh nghiệp địa phương tiếp cận các yêu cầu kỹ thuật như cấp mã số vùng trồng, tiêu chuẩn bao bì, quy trình kiểm định, định vị thương hiệu và phương thức giao thương hiện đại. Việc tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế thông qua các cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác kinh doanh trực tiếp với các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu nước ngoài. Đồng thời, các chủ thể OCOP cũng có dịp trao đổi, tìm hiểu về những yêu cầu khắt khe của thị trường thế giới và nghiên cứu khả năng mở rộng quy mô xuất khẩu.
Trợ lực từ kênh bán lẻ
Song song với mục tiêu mở rộng xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, việc xây dựng thị trường tiêu dùng nội địa vững chắc cho sản phẩm OCOP cũng có vai trò then chốt. Bởi thị trường trong nước không chỉ là nơi kiểm chứng chất lượng, mà còn là môi trường đào luyện doanh nghiệp thích nghi với các chuẩn mực thương mại hiện đại, từ truy xuất nguồn gốc đến định vị thương hiệu. Và việc đưa sản phẩm OCOP vào các kênh bán lẻ hiện đại sẽ giúp đặc sản địa phương tiếp cận người tiêu dùng một cách bền vững hơn.
Trên thực tế, nhiều hệ thống bán lẻ lớn trên cả nước đã và đang tích cực tạo điều kiện để sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng một cách thuận lợi. Không chỉ thế, các đơn vị này còn đồng hành cùng nhà sản xuất trong việc hoàn thiện bao bì, truy xuất nguồn gốc, tư vấn tiêu chuẩn chất lượng và hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là một trong những đơn vị như vậy. Theo đại diện Saigon Co.op, đơn vị là một trong những hệ thống bán lẻ tiên phong góp sức tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cụ thể, đơn vị đã hiện thực hóa chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 bằng chiến lược đồng hành với các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương. “Điều chúng tôi hướng đến không phải chỉ là đưa hàng vào kệ, mà là giữ giá trị thực của sản phẩm, từ chất lượng đến câu chuyện văn hóa phía sau”, đại diện Saigon Co.op nhấn mạnh.
Thống kê của Saigon Co.op cho thấy, nhà bán lẻ này đang kinh doanh hơn 500 sản phẩm OCOP từ khắp các tỉnh thành, trong đó nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3-4 sao, có chỉ dẫn địa lý và được trưng bày tại các vị trí nổi bật trong siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... Một số sản phẩm tiêu biểu phải kể tới như nước mắm Phú Quốc, bơ Đắk Lắk, bánh tráng Tây Ninh, yến sào Khánh Hòa, xoài cát Hòa Lộc… Đặc biệt, tại các địa phương nơi có siêu thị Co.opmart trú đóng, nhà bán lẻ này cũng liên tục phối hợp cùng các sở ngành để kết nối với doanh nghiệp, chủ thể OCOP địa phương. Qua đó tìm kiếm những sản phẩm phù hợp và đi đến ký kết hợp tác đưa sản phẩm OCOP lên quầy kệ siêu thị của mình.
Nhờ hỗ trợ từ Saigon Co.op, các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã nhỏ từng chỉ biết bán tại hội chợ địa phương thì nay được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Đó là những doanh nghiệp như Công ty Thiên Nhiên Việt với sản phẩm bột rau má sấy lạnh, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Yến Đảo Cần Giờ với những sản phẩm từ yến, mật ong Xuân Nguyên… Có thể thấy, việc đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị không chỉ là đích đến, mà là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp làm quen với vận hành hiện đại và định vị thương hiệu lâu dài.