Qua 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa – xã hội, đất nước ta đã có nhiều bước đột phá đáng tự hào, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Từ những thành quả đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đưa ra chiến lược phát triển văn hóa – xã hội từ năm 2011 – 2020, có những điểm rất đáng quan tâm. Đặc biệt là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, hài hòa với phát triển kinh tế.
Chiến lược phát triển đã nêu rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của pháp luật. Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc. Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Coi trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.
Theo tôi, nếu đi vào chi tiết của từng lĩnh vực văn hóa thì có rất nhiều điều phải làm. Chẳng hạn như bảo tồn, bảo tàng. Hiện nay, hệ thống bảo tàng của chúng ta chưa thật sự hấp dẫn khách tham quan. Chúng ta mới chỉ giới thiệu được những gì chúng ta có, chứ chưa có được những bảo tàng lớn, giới thiệu được nhiều hiện vật, những giá trị văn hóa đặc sắc của nhân loại.
Tôi nghĩ, việc quy hoạch, đầu tư phát triển bảo tàng cho xứng tầm thời đại, xứng tầm với một thành phố được mang tên Bác Hồ kính yêu và để lại cho muôn đời sau, đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, đồng thời Chính phủ phải đầu tư lớn, chứ một mình TPHCM không thể nào làm nổi. Nếu làm được công trình này, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân trong nước mà còn góp phần tạo nên một điểm đến hấp dẫn khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Nếu như muốn văn hóa, thể thao, du lịch phát triển, đòi hỏi phải có những con người tài năng, được đào tạo bài bản ngay từ đầu. Nếu đầu tư không đúng tầm, các tài năng cũng khó lòng phát huy được tiềm năng của mình. Từ đó sẽ dễ dẫn tới hệ quả lãng phí tài năng không đáng có.
Nguyễn Thành Rum
(Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM)