Kỳ vọng của người dân trước thềm Đại hội Đảng bộ TPHCM

Cần có tiêu chí xây dựng con người TPHCM

Cần có tiêu chí xây dựng con người TPHCM

Muốn xây dựng CNXH cần có con người mới XHCN. Con người vừa là đối tượng thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển xã hội và cũng là mục tiêu hướng đến. Vì vậy, vấn đề con người mang bản sắc riêng của TP cần được quan tâm hơn. Trong Dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ TP, vấn đề xây dựng con người đã đặt ra, tuy nhiên chưa được thể hiện cụ thể.

Ở dự thảo văn kiện, vấn đề con người mới dừng lại ở việc đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, để nâng cao trình độ kiến thức và thực hiện nếp sống văn hóa mới. Với những tiêu chí này, vấn đề xây dựng con người mới, mang bản sắc TPHCM vẫn chưa được thể hiện rõ, chưa toát lên được nét riêng của một đô thị phát triển hiện đại, văn minh.

Theo tôi, TPHCM đã trên 300 năm tuổi, là TP công nghiệp, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, nét nổi bật của con người TP là năng động, sáng tạo, nhanh chóng đón nhận và thích ứng với cái mới. Phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng này là vốn quý, là tài sản vô giá của TP. Tuy nhiên, trong xu thế mở cửa, hội nhập nhanh chóng như hiện nay, TP phải định hướng, xây dựng tiêu chí phát triển phẩm chất, tinh thần con người TP cho 5 năm kế tiếp và 10-15 năm tới. Vì thế, TP phải đưa ra được tiêu chí để xây dựng con người mới phù hợp với các tiêu chí phát triển này, để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh, bền vững hơn.

Trong dự thảo văn kiện, vấn đề xây dựng con người chỉ dừng ở mức đầu tư để phổ cập tiểu học, trung học… hay đầu tư nhiều cơ sở nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mang giá trị gia tăng cao. Theo tôi, điều này vẫn chưa đủ mà phải có tiêu chí xây dựng con người văn minh, hiện đại. Cụ thể, con người của TP, trung tâm của khu vực, là cửa ngõ của đất nước phải văn minh, lịch sự và có văn hóa. Việc TP thực hiện xây dựng tiêu chí con người mới cũng là động lực, cơ sở để xây dựng TP văn minh hiện đại, xứng tầm với vị thế mới. 

Luật gia NGUYỄN VĂN VŨ
(134/27 Trường Sa, phường 15, quận Bình Thạnh)


Phân công trách nhiệm, tránh kêu gọi suông

Có một thực tế tồn tại trong bộ máy quản lý của chúng ta là mỗi khi có sai phạm xảy ra, quả bóng trách nhiệm được chuyền đi rất khéo. Đơn cử như việc thi công “lô cốt” chậm trễ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Sở Giao thông Vận tải đã giao cho lực lượng thanh tra xử lý. Song khi lực lượng này tỏ ra “lực bất tòng tâm” trước các quy định xử phạt kéo dài nhưng nhà thầu vẫn chây ỳ không chịu khắc phục, những người có trách nhiệm lại quay sang đổ lỗi cho lý do khách quan là vướng công trình ngầm, kết quả từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ngành điện lực, cấp nước và cáp viễn thông.

Dường như chúng ta cứ mãi loanh quanh với bài toán “quả trứng và con gà” mà thiếu đi sự nhìn nhận vào nguyên nhân cốt lõi của từng vấn đề để tìm cách đột phá ở từng khâu. Đó là chưa kể nhiều nơi còn tồn tại tư duy “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, cấp dưới làm sai cấp trên chỉ chịu trách nhiệm là “thiếu đôn đốc, kiểm tra”. Điều này vô hình trung tạo nên vô vàn kẽ hở cho một bộ phận lợi dụng chức quyền trục lợi cho bản thân.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách của TP hiện nay chưa thật sự đi sâu vào cuộc sống, mới dừng ở việc hô hào, kêu gọi mà thiếu đi những quy định chế tài và lộ trình thực hiện cụ thể. Thử hỏi làm sao cấm giáo viên dạy thêm khi các trung tâm bồi dưỡng văn hóa vẫn được cấp phép ồ ạt như nấm sau mưa? Ngành giao thông kêu gọi phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng như thế nào khi lượng xe máy và ô tô hàng năm của TP vẫn tăng theo cấp số nhân, trong khi kế hoạch xây dựng các tuyến metro và cải tiến hoạt động của xe buýt vẫn dậm chân tại chỗ? Quy định trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức sẽ thực hiện thế nào khi hầu hết các cuộc thi tuyển đều thiếu tính minh bạch, công khai? Nhiều cuộc họp chi bộ ở cơ sở hiện nay nặng về hình thức, bàn về những vấn đề cải cách to tát mà thiếu đi tính thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể về dân sinh. Nhiều vấn đề “nhà nhà thấy, người người khổ” từ nhiều năm qua như “lô cốt”, ngập nước, kẹt xe nói hoài cũng chưa thấy được cải thiện.

Do đó, để các chủ trương, chính sách của TP thật sự đi sâu vào cuộc sống, rất cần có sự phân công trách nhiệm cụ thể ở từng cấp, trong đó phân định rõ các kế hoạch phải được xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng với những mục tiêu và chế tài cụ thể, tránh tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn không được giải quyết. 

NGUYỄN TƯỜNG HÂN
(Cựu sinh viên Trường ĐH Văn Hiến)

Tin cùng chuyên mục