Cần khắc phục tình trạng “có tiền mà không tiêu được”

Các chuyên gia nêu, dư địa để nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất là có, nhưng hạ lãi suất không phải là chìa khóa vạn năng, mà cần đồng bộ các giải pháp khác. Cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đồng thời kiểm soát các rủi ro (lạm phát, tỷ giá, dòng tiền).
Các vị khách mời tham dự tọa đàm
Các vị khách mời tham dự tọa đàm

Chiều 20-7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".

Tham dự tọa đàm có TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế; TS Nguyễn Sĩ Dũng.

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, tại hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thống nhất cao chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn".

Việc điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn; đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng.

Việc điều chỉnh này trên nền tảng lạm phát ở nước ta được kiểm soát tốt; lạm phát thế giới đã qua đỉnh và dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới; khoảng cách lãi suất thực dương khá lớn (5-6%); cung tiền M2 tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành.

Tại tọa đàm, ý kiến các đại biểu và ông Phan Đức Hiếu cho rằng, hiện nay dư địa vĩ mô còn khá lớn, do đó việc Chính phủ chỉ đạo chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" là đúng hướng. Mục tiêu là để thúc đẩy tăng trưởng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn để khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ hiện nay.

Bên cạnh đó, cần phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và các chính sách khác như hoàn thuế giá trị gia tăng để nhanh chóng có nguồn lực cho DN, không nên để nguồn lực của DN bị tồn đọng vì vấn đề trì trệ của thể chế; không được có những chính sách cản trở, là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của DN, như các quy định về phòng cháy chữa cháy. Để khơi thông nguồn lực, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, đó là làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục của DN; giải quyết sớm những kiến nghị của DN...

Ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho rằng, việc chuyển hướng nới lỏng chính sách tiền tệ là rất đúng với nhu cầu hiện nay của DN. Hiện nay DN đang thiếu vốn, như ruộng đồng khô hạn cần nước. Theo ông Tuấn, hiện nay DN đang đối mặt khó khăn, dòng vốn bị ách tắc do ảnh hưởng của vấn đề trái phiếu DN vừa qua, đơn hàng khó khăn, vay ngân hàng khó và lãi suất còn cao. Do đó, việc Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất, tăng cung tiền cho DN vay với chi phí hợp lý là chính sách rất đúng trong bối cảnh hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, nhiều DN vẫn phản ánh vay vốn không dễ. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo để chính sách nới lỏng tiền tệ đi nhanh vào cuộc sống, bảo đảm hỗ trợ DN lúc khó khăn, bảo đảm thúc đẩy cho tăng trưởng, “đã bắt mạch đúng bệnh, kê đơn đúng thuốc, vấn đề bây giờ là quyết liệt đưa chính sách vào cuộc sống”.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, giảm lãi suất ngân hàng chỉ là một phần, quan trọng nữa là tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, của DN. Muốn thế phải triển khai đồng bộ các giải pháp; giải quyết những trì trệ hiện nay của bộ máy hành chính, tháo gỡ những vướng mắc của thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn. Cùng với đó, khơi thông các kênh dẫn vốn khác, trong đó có nguồn vốn từ trái phiếu DN. Mặt khác, cũng không thể giảm lãi suất quá nhiều, vì hiện nay, dòng vốn đã dịch chuyển dần từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, do đó cần hài hòa các dòng vốn, bảo đảm vốn cho sản xuất, không tập trung vào kênh đầu tư tài chính.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, vấn đề cần giải quyết hiện nay là khắc phục tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Thủ tướng đã chỉ đạo phải giải ngân 95% vốn đầu tư công trong tổng số 711.000 tỷ đồng của năm 2023. Ông cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm có thể giảm thêm lãi suất, tức là dư địa giảm lãi suất chúng ta còn, nhưng nguyên tắc không được để đồng tiền dễ dãi. Các mục tiêu cần bảo đảm là lạm phát không quá 4,5% như Quốc hội đã yêu cầu; bảo đảm tỷ giá. Đặc biệt, cần kiểm soát dòng tiền, nhất là tiền vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Tuy nhiên, theo TS Võ Trí Thành, bất động sản cũng là kênh tăng trưởng nên việc kiểm soát dòng tiền vào lĩnh vực này cần hài hòa.

TS Võ Trí Thành nêu rõ, dư địa để nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất là có, nhưng hạ lãi suất không phải là chìa khóa vạn năng, mà cần đồng bộ các giải pháp khác. Cần tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn, đồng thời kiểm soát các rủi ro (lạm phát, tỷ giá, dòng tiền).

Theo TS Cấn Văn Lực, nhiều người lo lắng liệu Chính phủ có nới lỏng chính sách tiền tệ sớm quá không, có ảnh hưởng đến lạm phát? “Lý do để chúng ta yên tâm là cung tiền cho nền kinh tế ở mức độ thấp; dự báo lạm phát năm nay chỉ 3,5-4%”, ông Lực nói thêm.

Tựu trung, ý kiến các chuyên gia tại tọa đàm cho rằng, ngoài chính sách tiền tệ, cần triển khai đồng bộ các giải pháp khác thì mới hiệu quả. Trong đó, cần tập trung khai thông các nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trì trệ về thể chế, tạo điều kiện để các đầu tàu kinh tế phát triển nhanh như TPHCM, Hà Nội; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…

Tin cùng chuyên mục