Cần làm rõ, xử lý nghiêm

Vụ việc Báo điện tử của Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn) bị tấn công mạng, ngừng trệ hoạt động trong ngày 13-6, là tâm điểm truyền thông ở Việt Nam trong mấy ngày qua. Những đối tượng thực hiện tấn công và kêu gọi tấn công vov.vn không chỉ là hành động liều lĩnh mà đã thực sự coi thường và thách thức pháp luật. 

Sự việc bắt đầu sau 2 bài viết đăng trên vov.vn ngày 12-6 về hành vi livestream có những lời lẽ phản cảm và có biểu hiện xúc phạm người khác của bà Nguyễn Phương Hằng. Sau khi loạt bài viết được đăng, một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo các tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của vov.vn trên mạng. Trong đó đỉnh điểm là việc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhắm vào tờ báo điện tử này; tấn công Fanpage của báo… Nghiêm trọng hơn, một số tài khoản mạng xã hội kêu gọi và hướng dẫn thực hiện để tấn công vào nền tảng vov.vn, thậm chí đăng toàn bộ cái gọi là “cách thức” hack phần mềm quản trị nội dung (CMS) của vov.vn và kêu gọi cư dân mạng dùng cách này để tấn công.

Theo các chuyên gia, nếu 2 bài viết của vov.vn ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của một cá nhân hay tổ chức nào đó, họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Nếu thấy có dấu hiệu hình sự thì có thể làm đơn tố giác tới cơ quan công an để xử lý. Còn việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để hack, tấn công trang báo điện tử là hành vi rất nguy hiểm. Theo Luật An ninh mạng, tấn công mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử. 

Các luật sư cho rằng, vụ việc này có dấu hiệu phạm vào “Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” được quy định tại Điều 287 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Theo đó, người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử… thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nghiêm trọng hơn, theo Khoản 3 của điều luật này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ 7 đến 12 năm: Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh; Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông…

Đài Tiếng nói Việt Nam (viết tắt là VOV) là đài phát thanh quốc gia, cơ quan trực thuộc Chính phủ. VOV hiện là tổ hợp truyền thông đa phương tiện quan trọng hàng đầu cả nước với đủ cả 4 loại hình báo chí: phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử. Hành vi tấn công vào đài phát thanh quốc gia, dù ở nền tảng hay phương thức nào đều có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hành vi này còn có thể xâm phạm đến an ninh quốc gia; ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan này, tổn hại tài sản, uy tín của cơ quan truyền thông quốc gia. Việc công khai tấn công và kêu gọi, hướng tấn công mạng vov.vn là một sự thách thức pháp luật. Hiện các cơ quan chức năng Bộ Công an, Bộ TT-TT đã vào cuộc để làm rõ vụ việc này. vov.vn đã từng bước trở lại hoạt động bình thường. Đây không phải là lần đầu tiên 1 tờ báo điện tử ở Việt Nam bị tấn công như thế này. Hơn 10 năm trước, tháng 1-2011, Báo điện tử Vietnamnet.vn cũng bị tấn công trên quy mô lớn, kéo dài và bị thiệt hại nặng nề về mọi mặt. Thực tế này cho thấy, không thể để pháp luật bị xem thường. Các đối tượng có hành vi tấn công mạng này cần được làm rõ và xử lý nghiêm. 

Tin cùng chuyên mục