Cần nhất quán hơn những quan niệm trong cương lĩnh

Nghiên cứu Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta dễ nhận thấy nổi bật sự kiên định con đường phát triển lên XHCN với những mục tiêu, phương hướng, quan hệ chính cần giải quyết. Tuy nhiên, theo tôi, một số quan niệm trong cương lĩnh cần phải nhất quán hơn.

Sau khi nói về nội dung và đặc trưng của xã hội XHCN, cương lĩnh khẳng định: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế - xã hội đan xen”. Nhưng cương lĩnh lại không làm rõ “thời kỳ quá độ” là gì? Như vậy có hợp lý không khi đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH?

Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng lại xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vậy phải hiểu như thế nào cho đúng? Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ nhưng là xây dựng chế độ xã hội nào, chưa phải là chế độ XHCN một cách trực tiếp và đúng nghĩa mà đó là chế độ dân chủ nhân dân - chế độ CNXH sơ khai.

Tuy nhiên, nhìn theo quan điểm CNXH hiện đại thì càng thấy rằng: “đến khoảng giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, vẫn chưa kết thúc “thời kỳ quá độ”. Ngay khi tiến lên CNXH sau “thời kỳ quá độ” hay thời kỳ định hướng XHCN thì CNXH cũng là một quá trình tiếp tục phải được xây dựng ở trình độ mới, chất lượng mới với thời gian không ít hơn 100 năm.

Cương lĩnh phân tích rất rõ về nền kinh tế, nền văn hóa, nhưng lại không có khái quát nào về nền chính trị - xã hội. Trong mục phương hướng có nói đến “xây dựng nền dân chủ XHCN” nhưng ở đặc trưng thì lại không thấy nói tới nền dân chủ XHCN. Như vậy là không nhất quán. Chúng tôi nghĩ rằng, ở ý gần cuối của đoạn xã hội XHCN, có lẽ nên viết: “có nền dân chủ thực sự của nhân dân với nhà nước pháp quyền… do Đảng Cộng sản lãnh đạo” sẽ đầy đủ, hợp lý hơn. Bởi, cùng với nền kinh tế hiện đại, nền văn hóa tiên tiến thì nền dân chủ ấy là một trong những cấu thành quan trọng nhất của chế độ dân chủ nhân dân cũng như CNXH trong tiến trình thống nhất.

Cương lĩnh đề cập cụ thể phương hướng xây dựng những tiền đề và điều kiện cơ bản để phát triển theo định hướng XHCN, dần dần có CNXH. Tuy nhiên, theo tôi, nội dung này không hoàn toàn chỉ thích hợp với nội hàm khái niệm “thời kỳ quá độ”. Thực tế là chúng ta từ một đất nước kém phát triển tiến lên nước đang phát triển, rồi sau này mới trở thành nước phát triển. Vì vậy, việc sử dụng khái niệm “thời kỳ quá độ” là không thích hợp, mang tính gò ép.

Chúng ta cần làm rõ quá trình xây dựng đất nước, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân “theo hướng XHCN” như gợi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 1952. Vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất từ những năm 1990 khi xây dựng Cương lĩnh 1991. Không ít người đồng tình quan niệm này. Hiện nay vẫn có những người tiếp tục đề xuất nên sửa thành “Cương lĩnh xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân định hướng XHCN” thay vì “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH”. Cách tư duy này không phải khác nhau về lập trường mà là cách tiếp cận cụ thể, thực tế hơn .

Tiến sĩ HỒ BÁ THÂM

Tin cùng chuyên mục