Cần nhiều giải pháp cho mô hình quản lý vốn Nhà nước

Khu vực DNNN thời gian qua thiếu động lực để phát triển, chậm cải thiện, đầu tư không theo nguyên tắc thị trường gây lãng phí, hiệu quả thấp, dễ phát sinh tiêu cực... 
Mục tiêu cốt lõi của sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp là phục vụ dân sinh. Khi những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác làm có hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ vai trò kiến tạo ban đầu cần “nhường sân” để phát huy vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực xã hội, đem lại phát triển kinh tế chung và khả năng cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, việc định hình một mô hình hiệu quả để quản lý DNNN, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và hoàn thiện chiến lược phát triển kinh tế quốc gia là yêu cầu cấp thiết ở thời điểm hiện nay. 
Lợi ích của dân là mục tiêu quan trọng nhất 
Việc quản lý DNNN thời gian qua, chủ yếu theo mô hình cơ quan chủ quản vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước (nói chung) vừa đảm nhận chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nói riêng, vì vậy đã đặt ra những thách thức rất lớn về mặt hiệu quả quản trị. 
Nhà nước với vai trò chủ thể nhưng không tách bạch rõ chức năng nhiệm vụ, vì vậy tạo ra những phức tạp về xung đột lợi ích trong việc cử các mối quan hệ đại diện, dẫn đến thực thi quá mức chức năng quản lý Nhà nước, can thiệp sâu vào điều hành doanh nghiệp với động cơ chính trị, phạm vi trách nhiệm không rõ ràng, thiếu trách nhiệm giải trình về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cần nhiều giải pháp cho mô hình quản lý vốn Nhà nước ảnh 1 Trường Đại học Tôn Đức Thắng - dự án được HFIC tài trợ vốn vay
Hoặc ngược lại, khi trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Nhà nước lại quá thụ động thực hiện quyền chủ sở hữu từ xa, dẫn đến thiếu chuyên tâm trong định hướng lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp; cũng như thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, làm tăng khả năng trục lợi của một bộ phận cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp.
Hệ quả là khu vực DNNN thời gian qua thiếu động lực để phát triển, chậm cải thiện, đầu tư không theo nguyên tắc thị trường gây lãng phí, hiệu quả thấp, dễ phát sinh tiêu cực... 
Vì vậy, cần xác định rõ tối đa hóa giá trị cho xã hội thông qua việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, vì lợi ích của người dân chính là mục tiêu quan trọng nhất của việc Nhà nước sở hữu doanh nghiệp. 
Yêu cầu về năng lực quản trị và năng lực thực thi 
Nhằm đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tách bạch bộ máy thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước, mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ xem xét thành lập mới cơ quan chuyên trách (CQCT) thuộc Chính phủ với yêu cầu đặt ra là cơ quan này phải có năng lực và khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao. 
Trường hợp DNNN cung cấp dịch vụ công thiết yếu hoặc thực hiện chức năng điều tiết thị trường, CQCT cần thúc đẩy DNNN thực hiện mục tiêu cung cấp dịch vụ hiệu quả và minh bạch để người dân được phục vụ tốt nhất. Khi tham gia các hoạt động kinh tế mang tính cạnh tranh, mục tiêu phục vụ người dân tốt nhất là tối đa hóa giá trị dài hạn và đem lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Vì vậy, CQCT cần tập trung vào hiệu quả kinh tế và tối đa hóa lợi ích của cổ đông trong doanh nghiệp. Theo đó, CQCT cần được giao nhiệm vụ rõ ràng và có nguồn lực tương xứng về con người, nhất là đội ngũ lãnh đạo quản lý có tư duy kinh tế, am hiểu ngành nghề và đội ngũ cán bộ có kỹ năng chuyên môn phù hợp…
Ngoài ra, việc tập trung các DNNN quy mô lớn thuộc các lĩnh vực then chốt vào một cơ quan có thể làm tăng rủi ro, đặt ra yêu cầu cao về tính minh bạch, năng lực và trách nhiệm giải trình… 
Vì vậy, cùng với định hướng hình thành CQCT quản lý vốn tại các DNNN trực thuộc trung ương, việc phân cấp cho các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM quản lý các DNNN trực thuộc là phù hợp và cần thiết; vừa đảm bảo năng lực tương thích với quy mô vừa đa dạng mô hình để học tập kinh nghiệm, đồng thời phát huy mô hình thực tiễn đã triển khai có hiệu quả là quỹ đầu tư phát triển địa phương, với mục tiêu làm đòn bẩy kinh tế thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, tạo động lực khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. 
Hoàn thiện mô hình chuyên trách quản lý vốn
Việc hoàn thiện CQCT quản lý vốn ở Hà Nội và TPHCM cũng nhằm hướng tới dễ dàng áp dụng ở mức tối đa các nguyên tắc quản trị công ty theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tạo điều kiện để thực thi các quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường và gắn với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả kinh tế. CQCT được giao nhiệm vụ rõ ràng, có trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình minh bạch đề cử lãnh đạo doanh nghiệp và chính sách đãi ngộ có tính cạnh tranh để thu hút các chuyên gia trình độ cao; thiết lập chính sách công bố thông tin hợp lý, minh bạch, là cơ sở để thường xuyên theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp... 
Cùng với tách bạch bộ máy CQCT thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước có thể tập trung thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp như ban hành quy phạm pháp luật; xây dựng chính sách hỗ trợ, quy hoạch phát triển ngành; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đặc biệt là nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và doanh nghiệp đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế như năng lực quản lý công nghệ, quản lý môi trường… 
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định, sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cải cách DNNN, góp phần hình thành hệ thống doanh nghiệp quản trị hiện đại, có sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, đóng góp tích cực vào hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sân chơi bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế theo đúng chủ trương mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Hiện nay, chúng ta đã đạt được sự thống nhất cao về việc tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của Nhà nước để thực hiện một cách tập trung, thống nhất quyền chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua định hướng thành lập CQCT quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra không chỉ dừng ở việc tách bạch bộ máy thực hiện mà phải đạt được yêu cầu thực chất về đổi mới phương thức quản lý tại doanh nghiệp, theo đó chuyên trách là hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý, hướng tới áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt nhằm đảm bảo doanh nghiệp đạt được mục tiêu tối ưu về hiệu quả hoạt động, hiệu quả kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục