Trước thềm Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (2010 - 2015)

Cần những giải pháp đột phá

Cần những giải pháp đột phá

Trước thềm Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX, nhóm PV Báo SGGP đã gặp gỡ và nghe một số nhà khoa học, cán bộ, giảng viên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và hiến kế các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của TPHCM trong nhiệm kỳ 2010-2015.

  • GS-TS CHU PHẠM NGỌC SƠN, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM: Cụ thể hóa các mục tiêu nghiên cứu đào tạo
Cần những giải pháp đột phá ảnh 1

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn

Mối liên hệ giữa TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam vốn có từ nhiều năm nay, cần được cụ thể hóa với các mục tiêu nghiên cứu đào tạo, triển khai công nghệ cao rõ ràng và được các bên thường xuyên đánh giá, điều chỉnh với nội dung chương trình giảng dạy đào tạo phù hợp với các hướng ưu tiên phát triển của TP. Nên chăng TP dành kinh phí thỏa đáng đầu tư trang thiết bị cho các phòng thực hành bậc đại học để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sinh viên tốt nghiệp, phục vụ nhu cầu nhân lực cho TP.

TP cũng có thể phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp hoặc với một số nước thành lập một số cơ sở đào tạo mà đội ngũ giảng dạy được lấy từ chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của TP. Việc đầu tư hàng trăm triệu USD cho Khu nông nghiệp kỹ thuật cao với hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên sâu là một ví dụ điển hình tạo phấn khởi cho giới khoa học TP. Ngoài ra, TP cần có cơ chế chính sách để thu hút các chuyên gia Việt Nam hay nước ngoài có trình độ cao để tham gia nghiên cứu đào tạo sau đại học bám sát các hướng ưu tiên phát triển của TP. TP cũng cần hướng về đào tạo tiến sĩ tại chỗ để có thể hòa mình vào sự nghiệp phát triển đất nước; mở rộng xã hội hóa nghiên cứu, tập trung phát triển nhanh và bền vững nền công nghiệp TP và khu vực.

  • Bà ĐINH THỊ BẠCH MAI, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM: Đào tạo nghề cho phụ nữ tối thiểu đạt 70%
Cần những giải pháp đột phá ảnh 2

Bà Đinh Thị Bạch Mai

Để phụ nữ các cấp có cơ hội và điều kiện phát huy khả năng của mình, trước hết, Đảng, chính quyền phải tạo những cơ chế, chính sách, điều kiện phù hợp. Chẳng hạn, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia có hiệu quả Đề án 295 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” nhằm tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, phấn đấu tăng tỷ lệ nữ được đào tạo nghề, có việc làm sau đào tạo nghề (tối thiểu đạt 70%). Qua đó, nâng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của lao động nữ trên địa bàn TPHCM để tạo cơ hội cho chị em có việc làm, thu nhập ổn định.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong mỏi các cấp ủy Đảng có kế hoạch hành động, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bạo lực gia đình gắn với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cần phải kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, đào tạo cán bộ làm công tác gia đình các cấp, nhất là ở cơ sở đủ mạnh để bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về gia đình và công tác gia đình.

  • Th.S NGUYỄN HUY ĐỨC, Đại học Kinh tế TPHCM: Đào tạo “nghề lãnh đạo”
Cần những giải pháp đột phá ảnh 3

Th.S Nguyễn Huy Đức

Nhiều năm nay, Thành ủy TPHCM đã xây dựng chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn trong cán bộ trẻ và sinh viên, đồng thời đào tạo 500 tiến sĩ, thạc sĩ cho các cơ quan Nhà nước. Đây là chủ trương đúng đắn, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cơ sở, quận-huyện và sở-ngành TP. Song nhiều sinh viên và cán bộ trẻ chưa được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, nên khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo đã không tránh khỏi lúng túng, va vấp, thậm chí gây thiệt hại chung. Giải quyết sự bất cập này, tôi cho rằng, cần thừa nhận lãnh đạo là một nghề. Đã là một nghề thì tất yếu phải được học và đào tạo, trong đó có 3 vấn đề cơ bản: dạy thái độ, kỹ năng và nghề.

Chương trình phải bảo đảm 2 yêu cầu: phần cứng là thể hiện năng lực như những điều đã học, phần mềm là có khả năng ứng dụng và sáng tạo. Những người trước khi đề bạt phải được đào tạo một lớp về khoa học lãnh đạo, quản lý. Bản thân người học phải xác định rõ mục tiêu học tập vì đây chính là động cơ giúp họ hiểu sâu hơn nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người làm lãnh đạo và quản lý. Cán bộ đương nhiệm phải được bổ túc thường xuyên 2 lần/năm về những kiến thức mới, đặc biệt là cập nhật được tình huống và các biện pháp giải quyết tình huống. Nếu kế cận vị trí cao hơn thì trước khi đề bạt, cán bộ đó phải được đào tạo phù hợp với vị trí mới.

  • Th.S LÊ VĂN THÀNH, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Đừng để chất lượng sống giảm sút
Cần những giải pháp đột phá ảnh 4

Th.S Lê Văn Thành

Trong những năm qua, thu nhập người dân TP có tăng nhưng môi trường sống có nhiều điều cần bàn. Tình trạng kẹt xe, ngập nước, rào chắn, khói bụi, ô nhiễm không khí hàng ngày và ở mọi tuyến đường đã khiến người dân rất bức xúc. Một trong những mong muốn của người dân là TP cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa về kết cấu hạ tầng đô thị.

Chuyện đi lại với người dân là rất quan trọng, là nguyện vọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng sống của dân cư trong một đô thị lớn như TPHCM. TPHCM là một TP lớn lên rất nhanh, vụt lên như chàng trai Phù Đổng, cả về kinh tế và dân số nhưng hệ thống hạ tầng đô thị không đáp ứng kịp. TPHCM đã đặt ra các chương trình đột phá, tuy nhiên phần lớn là những chương trình mục tiêu không thể chỉ giải quyết trong 5-10 năm là xong. Do đó cần có thêm những giải pháp thích hợp, nhất là những giải pháp đột phá thật sự, có tính chiến thuật. TPHCM trong nhiệm kỳ tới cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng phát triển đô thị và chăm lo tốt hơn đời sống người dân, đừng để thu nhập của người dân tăng nhưng chất lượng sống lại giảm như hiện nay.

Tuấn Sơn - Hồng Hiệp ghi

Tin cùng chuyên mục