Cần quan tâm đến văn học thiếu nhi

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không dám bàn về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả của mảng văn học thiếu nhi đối với sự hình thành nhân cách của con người; cũng như nhu cầu và thực trạng tình hình văn học thiếu nhi nước ta hiện nay.

Tôi tham gia viết truyện cho thiếu nhi, trước nhất chỉ vì tôi có một tuổi thơ khá nhọc nhằn với quãng thời gian vừa đi học, vừa theo cha mẹ ra đồng. Bạn bè của tôi là những đứa trẻ chăn bò, ít học, suốt ngày lang thang trên những cánh đồng với những sinh hoạt rất đặc biệt mà tôi không thấy người ta đề cập tới trong sách báo… Người ta không viết thì tôi viết.

Có người nghĩ rằng, viết cho thiếu nhi hay mấy cũng chỉ là “nhà văn trẻ con” nên chẳng mấy người thèm viết cho thiếu nhi. Có cái gì đó phũ phàng và thiếu bình đẳng khi nhìn nhận văn học thiếu nhi với các mảng văn học khác. Và, nghĩ như vậy không chỉ có lỗi với người viết cho thiếu nhi mà còn có tội với các em, với những thế hệ công dân Việt Nam sau này.

Bản thân tôi là người viết cho thiếu nhi cũng tự kiểm điểm bản thân mình và nhận ra có những thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

Thứ nhất, xuất phát từ động cơ viết để ghi lại kỷ niệm tuổi thơ của mình cho nên có lúc tôi quên chuyện bạn đọc nhỏ tuổi bây giờ có thích đọc chuyện ngày xưa, xưa như cổ tích của tôi viết hay không?

Thứ hai, tôi chưa chú ý đến tâm sinh lý của thiếu nhi bây giờ khác tâm sinh lý tuổi thơ của tôi ngày xưa. Bây giờ, học sinh tiểu học đã viết thư tỏ tình gửi nhau, ngày xưa thì khác. Bây giờ, các em được theo người thân hay thầy cô đi rất nhiều nơi; mở ti vi, truy cập Internet, các em biết cả thế giới và biết nhiều thứ. Tôi phải viết sao để các em chịu đọc, không bỏ sách ngay từ trang đầu?

Thứ ba, tôi nhận ra, bạn đọc bây giờ chả cần chú ý khi tôi tả tỉ mỉ chuyện thiếu nhi vùng nông thôn quê tôi với những đêm trăng ngồi bên cây rơm hát vọng cổ, tả những cánh đồng với từng cái lung, cái đìa; tả con kinh, cây cầu, con đò và tình người nơi miền quê nghèo khó… Hay nói cách khác, bạn đọc bây giờ thích đọc nhanh để biết cốt truyện, tò mò sự kiện với nhịp điệu nhanh nhanh vội vội và thiếu cảm xúc.

Thứ tư, dù không cố ý nhưng hình như, trong truyện của tôi vẫn cứ phảng phất chất triết lý giáo dục và tự kiểm duyệt lấy cốt truyện, tình tiết, ngôn từ… nên dễ đi đến khô khan, thiếu dí dỏm, hài hước và thiếu sự sáng tạo, thiếu sự khơi gợi nên những tư duy tưởng tượng bay bổng mà lứa tuổi các em rất thích.

Nói như vậy, không có nghĩa là người viết chúng ta phải chạy theo thị hiếu không lành mạnh của các em mà viết nên những tác phẩm làm vẩn đục tâm hồn các em hay phá hoại sự trong sáng tuyệt vời của tiếng Việt, kiểu sử dụng ngôn ngữ chat, pha tạp tiếng Việt với tiếng nước ngoài, tiếng lóng…

Nếu như Nhà nước quan tâm đến văn học thiếu nhi, nên chăng đề ra chính sách đãi ngộ ở mảng văn học này bằng việc đầu tư đặt hàng cho tác giả, có chủ trương quảng bá khi phát hành; sẵn sàng tài trợ, bao tiêu; sách hay có thể liên kết với ngành giáo dục in số lượng lớn tặng cho thư viện các trường tiểu học và THCS… Hội Nhà văn có thể đặt hàng đầu tư cho tác giả và nêu cao trách nhiệm của NXB Hội Nhà văn đối với mảng đề tài này. Chủ trương mở trại sáng tác văn học thiếu nhi đã được Hội Nhà văn thực hiện, cần được mở rộng, nâng lên chất lượng, tạo điều kiện ưu đãi cho nhiều tác giả tham gia, nhiều tác phẩm được in ấn phục vụ các em. Có giải thưởng ở mảng đề tài thiếu nhi.

Ngoài ra, Hội Nhà văn nên có một tờ báo dành cho các em, để thu hút nhiều tác giả tham gia, để cho các em có tờ báo riêng, mang tính chất văn học cao để đọc, để tham gia cộng tác…

Mai Bửu Minh

Tin cùng chuyên mục