Cần thử nghiệm cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng không chỉ hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ trí thức mà còn quan tâm đến đặc thù của giới trí thức. Vì họ có cá tính, cần sự tôn trọng, dân chủ, đối xử công bằng, minh bạch, thực chất hiệu quả công việc chứ không phải phong trào.

Ngày 24-2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TPHCM và Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cùng các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cùng các đồng chí chủ trì hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội thảo, dẫn câu chuyện một vị giáo sư đầu ngành đã về công tác gần 15 năm ở ĐHQG TPHCM nhưng vẫn gặp khó khăn trong xin giấy phép lao động, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chính sách thu hút trí thức cần rất cụ thể, không thể nói chung chung nữa.

Theo ông, yêu cầu đầu tiên của trí thức là môi trường làm việc, sự tôn trọng; khả năng phát triển cá nhân về chuyên môn và con người; chính sách đãi ngộ. GS-TS Võ Văn Tới đã về nước làm việc gần 15 năm, nhưng có những giai đoạn phải xin giấy phép lao động hàng tháng, có lúc phải bay sang Thái Lan rồi quay về nhận lại giấy phép. “Dường như có độ vênh giữa Nghị quyết, nhận thức về người trí thức và triển khai thực tế”, PGS-TS Phan Thanh Bình nhận xét.

PGS-TS Phan Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VĂN MINH

PGS-TS Phan Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VĂN MINH

PGS-TS Phan Thanh Bình cho rằng, cần quan tâm đến đặc thù của giới trí thức. Họ có cá tính, cần sự tôn trọng, dân chủ, đối xử công bằng, minh bạch, thực chất hiệu quả công việc chứ không phải phong trào.

Góp ý thêm, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc ĐHQG TPHCM cũng nhìn nhận, chủ trương thu hút nhân tài là đúng đắn nhưng thực tế chuyển biến rất chậm. Một trong những giải pháp là phải “đánh” vào thi đua. Khi người đứng đầu có tâm có tầm, chịu trách nhiệm chính thì sẽ có sự chuyển biến rất nhanh. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng thống nhất cho rằng, các chính sách hiện nay đã khá đầy đủ, vấn đề nằm ở khâu triển khai thực hiện.

GS-TS Võ Văn Tớ đề xuất một “ốc đảo” thử nghiệm, với cơ chế cởi mở, “phi nghị định”. Ảnh: VĂN MINH

GS-TS Võ Văn Tớ đề xuất một “ốc đảo” thử nghiệm, với cơ chế cởi mở, “phi nghị định”. Ảnh: VĂN MINH

Tại hội thảo, phát biểu của GS-TS Võ Văn Tới, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM gây chú ý khi đề xuất một “ốc đảo thử nghiệm", với cơ chế cởi mở, “phi nghị định”, nơi mà các giảng viên được phép làm những gì không xâm phạm đến an ninh quốc gia và làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ làm những gì nghị định hay quy định cho phép.

Cụ thể, ông đề xuất Đề án Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật y sinh cho các nước đang phát triển. Trung tâm này sẽ đón tiếp các chuyên gia từ các nước tiên tiến đến làm việc và tiếp nhận các sinh viên từ các nước đang phát triển đến học tập. Họ sẽ cùng nghiên cứu, khám phá những chủ đề chưa được khai phá tại Việt Nam để tạo thành dấu ấn đặc thù trên thế giới. Đồng thời đưa thiết bị y tế hàn lâm ra thị trường.

Bằng trải nghiệm gần 15 năm làm việc tại ĐHQG TPHCM, GS-TS Võ Văn Tới cho rằng, mô hình ĐHQG TPHCM là một sáng kiến độc đáo và thành công trong việc trao quyền tự do học thuật cho địa phương. Do đó, cần đẩy mạnh quyền này bằng cách thành lập những “ốc đảo thử nghiệm”. Với quy mô “ốc đảo”, nếu thành công sẽ nhân rộng, nếu thất bại thì hậu quả cũng có thể kiểm soát được.

PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu. Ảnh: VĂN MINH

PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu. Ảnh: VĂN MINH

Một số ý kiến thảo luận thêm về các loại thử nghiệm này. Trong đó, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cũng bày tỏ quan tâm đến những đề nghị triển khai cơ chế sandbox – thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực. Hiện Bộ KH-CN được Thủ tướng Chính phủ giao một việc rất liên quan, là xây dựng cơ chế sandbox cho việc thành lập doanh nghiệp trong các trường. Các đại biểu cũng thảo luận sâu về xây dựng chính sách nhằm đào tạo bồi dưỡng và trọng dụng trí thức nói chung, trí thức khoa học công nghệ nói riêng.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VĂN MINH

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: VĂN MINH

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, đây là việc rất cần thiết, nhưng cũng rất khó. Thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp khối tư nhân đã làm tốt hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Ông đánh giá, sau nhiều năm xây dựng, chính sách thu hút, đãi ngộ đã hình thành, nhưng thực tế triển khai khó khăn do thiếu đồng bộ trong quy định pháp luật, nhiều chính sách không còn hấp dẫn, thấp hơn nhiều mặt bằng chung xã hội.

Bộ đang chủ trì cùng với các cơ quan được giao tích cực xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn đến năm 2030 và Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là hai trong các đề án quan trọng liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học công nghệ nói riêng.

Tin cùng chuyên mục