Văn học Việt Nam hiện đang cần có một chiến lược dịch thuật và quảng bá ra quốc tế. Riêng tại TPHCM trung tâm văn học và xuất bản lớn, có bề dày lịch sử văn học, luôn hội tụ đông đảo đội ngũ nhà văn tài năng nhiều thế hệ - cần nhanh chóng xây dựng một trung tâm dịch thuật văn học.
Trước đây đã có một số tác phẩm văn học hiện đại Việt Nam được chuyển ngữ và xuất bản, nhưng chưa có tác phẩm nào cùng lúc được dịch, phát hành 3 thứ tiếng Thái, Anh, Hàn ở nước ngoài như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Đó là vinh dự cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà cũng là động lực cho các nhà văn Việt Nam. Và việc Nguyễn Nhật Ánh được mời sang Thái Lan trực tiếp giao lưu với bạn đọc cùng các nhà văn nước bạn trong buổi lễ ra mắt sách vào ngày 24-8 này tại Trường Đại học Chulalongkorn, nhất định sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích về thị trường sách văn học nước bạn.
Hồi tháng 4 vừa qua, tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần cũng đã được Nhà Xuất bản Trẻ chuyển ngữ và phát hành bằng tiếng Anh. Đây là nỗ lực đầu tiên mang tính thăm dò. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trưởng phòng Truyền thông kiêm phụ trách khai thác tác quyền trong nước của Nhà Xuất bản Trẻ, đánh giá: “Thực sự đây là cuộc đầu tư khá phiêu lưu. Chúng tôi tính 5 năm tới mới có thể đưa một số tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài bằng cách dịch ra Anh ngữ hoặc Pháp ngữ”.
“Phiêu lưu” hơn cả Nhà Xuất bản Trẻ, một vài tác giả đã cố gắng nhờ dịch và tự bỏ tiền túi xuất bản tác phẩm của mình bằng song ngữ, chủ yếu là Việt - Anh, để quảng bá với bạn đọc ngoài nước. Mới nhất là tập thơ Lúc 0 giờ của nhà thơ Trần Hữu Dũng phát hành đầu tháng 8-2011. Dù là nỗ lực tự thân các nhà văn hoặc do các nhà xuất bản trong và ngoài nước liên kết chuyển ngữ và ấn hành, thì cũng cho thấy đã đến lúc giới cầm bút và xuất bản trong nước có ý thức lẫn nhu cầu thực sự trong việc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài.
So với sự hội nhập mạnh mẽ về kinh tế thì rõ ràng sự hội nhập về văn học lẫn văn hóa của chúng ta với thế giới còn khiêm tốn. Lịch sử văn học Việt Nam không chỉ có những tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương,… mà còn không ít tác phẩm, nhất là các tác phẩm văn học đương đại cần được dịch thuật, quảng bá với thế giới, để bạn bè hiểu chúng ta hơn.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm sao dịch và quảng bá văn học Việt một cách có hệ thống, chứ không dừng ở mức “phiêu lưu” như nhận định của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu? Đây cũng là câu chuyện mà một số nhà văn trẻ quan tâm khi thảo luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ TPHCM lần thứ 3 vừa qua, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời thấu đáo.
Sau Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài lần đầu tiên tại Hà Nội hồi năm 2010 được tổ chức khá ấn tượng, nghe đâu một trung tâm dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã được thành lập. Nhưng cho đến nay mô hình hoạt động của trung tâm này ra sao thì dư luận ít được biết đến, ngay trong giới nhà văn cũng chẳng mấy ai nắm rõ tin tức.
Trong khi đó, cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ mới Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM khóa 8 (2010-2015) lại không có hội đồng dịch thuật, nó chỉ nằm chung trong khối sáng tác do một phó chủ tịch hội phụ trách. Mà thực ra từ trước đến nay, hội đồng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam hay TPHCM, chỉ là hội đồng… dịch văn học nước ngoài sang tiếng Việt, chứ chưa đảm nhiệm vai trò ngược lại.
Mặc dù đáng ghi nhận, nhưng việc Nhà Xuất bản Trẻ hay một vài tác giả nỗ lực tự thân dịch và quảng bá tác phẩm của mình chỉ là hành động đơn lẻ, mang tính tự phát. Và không phải nhà văn nào cũng có duyên may cộng cả tài năng như Nguyễn Nhật Ánh.
Vì vậy, văn học Việt Nam hiện đang cần có một chiến lược và hành động gấp rút, cụ thể để dịch thuật và quảng bá ra quốc tế, với sự tham gia của các nhà quản lý, giới xuất bản và tất nhiên không thể thiếu các nhà văn. Riêng tại TPHCM, một trung tâm văn học và xuất bản lớn, có bề dày lịch sử văn học, luôn hội tụ đông đảo đội ngũ nhà văn tài năng nhiều thế hệ, theo tôi cần nhanh chóng xây dựng một trung tâm dịch thuật văn học.
Ngoài chức năng chính là tuyển dịch sách văn học của thành phố và trong nước, trung tâm này còn phải chọn dịch sách văn học nước ngoài và được quyền liên kết hoặc tự xuất bản. Về lâu dài, trung tâm này cũng có thể mở rộng sang dịch tác phẩm có giá trị của các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác…
Cánh cửa hội nhập đã mở ra, chúng ta cần chủ động với “sân chơi” mang tính toàn cầu. Quảng bá sách, quảng bá văn học cũng chính là quảng bá sức mạnh văn hóa, mở thêm một kênh giao lưu hữu hiệu để bạn bè thế giới tiếp cận Việt Nam, tiếp cận TPHCM nhiều hơn, sâu sắc hơn.
Phan Hoàng