Ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết, những năm qua, các ngành chức năng đã vận động người dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động, vật tư, hiến 278.570m2 đất để thực hiện trên 250 công trình cầu, đường nông thôn, nâng cấp mở rộng các tuyến đường đô thị; các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng được 1.468 căn nhà tình thương. Vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.
TP Cao Lãnh cũng đã huy động nhiều nguồn từ ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, ngân sách địa phương, vận động DN và người dân đóng góp tổng kinh phí hơn 439 tỷ đồng thực hiện các công trình NTM. Đến nay, TP Cao Lãnh có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó Hòa An là xã đầu tiên của TP Cao Lãnh đạt chuẩn và cũng là 1 trong 3 xã của cả nước được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt trên 50,5 triệu đồng/người/năm, tăng 8,4 triệu đồng/người/năm so với 2018. Mới đây, các ngành chức năng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Cao Lãnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Theo ông Phan Văn Thương, Bí thư Thành ủy TP Cao Lãnh, địa phương sẽ chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng NTM, nhất là lĩnh vực về giáo dục, y tế, môi trường… đảm bảo chương trình NTM được duy trì, nâng chất và phát triển bền vững. Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu quan trọng ở các xã NTM là kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng hoàn thiện, hiện đại. Thu nhập và đời sống tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. TP Cao Lãnh giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt; phấn đấu đến năm 2025 các xã trên địa bàn đều đạt tiêu chí NTM nâng cao.