Cao Xuân Hạo – chiến sĩ, nhạc sĩ

Cao Xuân Hạo – chiến sĩ, nhạc sĩ

Cao Xuân Hạo được mọi người biết đến là một giáo sư, một nhà ngôn ngữ học uyên thâm, một nhà dịch thuật lớn không chỉ vì số lượng trang dịch mà vì độ hiểu biết sâu sắc về ý tưởng triết học của tác giả mà anh chọn tác phẩm để dịch.

Cao Xuân Hạo – chiến sĩ, nhạc sĩ ảnh 1

Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một lần đi điền dã.

Nhưng tôi nghĩ rằng hiểu biết về Cao Xuân Hạo như vậy là chưa đủ. Làm người bạn lâu năm với Hạo từ hơn nửa thế kỷ, tôi muốn chia sẻ với nhiều người thêm một số nét về con người học giả tài hoa đáng kính.

Cao Xuân Hạo sinh ra ở Huế. Thân sinh là nhà học giả Cao Xuân Huy rất nặng tình với thuyết vô vi mà cụ đeo đuổi suốt đời. Thế nhưng Cao Xuân Hạo lại là học sinh Trường Thiên Hựu (Providence) Huế, một trường tư thục do các giáo sĩ Thiên Chúa giáo quản lý. Nói đến trường này, người ta nhớ đến giáo sư Tạ Quang Bửu cùng các đồng nghiệp đồng sự làm rạng danh nhà trường và cũng ở đây còn có những sinh hoạt nghệ thuật đáng lưu ý.

Như thế Hạo không chỉ thụ hưởng phần trí tuệ của dòng họ Cao Xuân nổi tiếng mà còn chịu ảnh hưởng của môi trường gia đình trường học và xã hội xứ Huế. Tuy nhiên, khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì Cao Xuân Hạo đã là liên lạc viên Trung đoàn 57 của tỉnh Thừa Thiên. Một thời gian sau đó, Hạo lại có những năm tháng là đoàn viên Đoàn kịch Vệ quốc quân Mặt trận bộ Bình Trị Thiên và Trung Lào rồi là cán bộ đoàn công tác văn nghệ Liên khu IV. Trong đoàn còn có nhà viết kịch Bửu Tiến, nhà nghiên cứu Đình Quang, các diễn viên Tân Nhân, Tố Lan, Vĩnh Tôn...

Phục vụ chiến trường, Hạo đã có nhiều sáng tác rất được cảm tình của quần chúng và cả giới nhạc. Những bài hát như: Bến đò biên khu, Tình quân dân, Lữ hành, Mùa về chiến khu đậm chất thơ, chất trữ tình lãng mạn, lại có vị mặn của âm điệu Liên khu IV, vừa mang hơi thở cuộc sống chiến đấu. Ai cũng nghĩ rằng con đường nghệ thuật của Hạo đang mở rộng và tin rằng Hạo có thể xây dựng cho mình một sự nghiệp âm nhạc.

Có một chuyện vui đáng kể. Năm 1951 với bài Ngọn cờ dân chủ của Lưu Hữu Phước, Hạo đã viết phần phối âm thành một hợp xướng có dáng dấp chính quy. Rất vui là dù không có diễn viên chuyên nghiệp, Hạo đã mạnh tay kéo cả Thanh Tịnh, Phùng Quán, Nguyễn Phiên, Đình Quang, Nguyễn Tiến, Đặng Khoán, Phạm Thị Tần, Ái Hoa... vào đứng trong dàn hợp xướng.

Bỗng sang năm 1953, Hạo rẽ ngang, cắp sách vở đi học ở trường dự bị đại học ở Thanh Hóa rồi Trường Đại học Văn khoa Hà Nội và từ đó đi chuyên sâu vào ngôn ngữ học coi như sự nghiệp của đời mình. Có lần tôi hỏi Hạo về chuyện này và Hạo chỉ cười rằng sẽ có lời đáp sau. Không phải chờ đến nay mới rõ. Ngoài những buổi giảng dạy những vấn đề ngôn ngữ mà Hạo để tâm nghiên cứu, Hạo đã có những buổi thuyết trình được đánh giá cao về mối liên quan giữa âm nhạc với ngôn ngữ tại Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngay từ những năm 1960 Hạo đã có những buổi giảng tương tự cho các lớp thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Nhạc viện Hà Nội. Và theo tôi được biết các đồng nghiệp nước ngoài rất chú ý đến vấn đề Hạo đưa ra. Phải chăng Hạo đã đi từ âm nhạc - bằng âm nhạc đến lĩnh vực ngôn ngữ - tiếng Việt của dân tộc mình.

Tiễn đưa bạn ra đi, xin gọi tên người nhạc sĩ - chiến sĩ Cao Xuân Hạo.

Nhạc sĩ Phan Thanh Nam

Tin cùng chuyên mục