Để ứng phó, các nước phát triển đã thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ và hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống cấp nước và ứng phó được các rủi ro ngay từ nguồn nước thô đến mạng lưới truyền tải và phân phối nước sạch.
Tại hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ Sawaco đã đề ra mục tiêu xây dựng chương trình cấp nước thông minh hướng đến giải quyết các vấn đề trên.
tại Hội thảo chuyên đề nghiên cứu Quản lý mạng lưới cấp nước thông minh
Căng thẳng nguồn nước thô
Hệ thống cấp nước TPHCM có tổng công suất cấp nước sạch theo thiết kế khoảng 2.100.000m3/ngày (chưa tính Nhà máy nước Tân Hiệp 2 vừa khánh thành có công suất 300.000m3/ngày). Về nguồn nước, theo Sawaco, TPHCM chủ yếu khai thác nước mặt từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cung cấp trên 90% lượng nước thô. Tuy nhiên, do nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm có tốc độ đô thị hóa, kinh tế phát triển nhưng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt nên nguồn ô nhiễm từ các khu công nghiệp, khu dân cư xả thải trực tiếp làm ô nhiễm nguồn nước các con sông lớn.
Theo số liệu giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và công tác theo dõi diễn biến chất lượng nước do Sawaco thực hiện, thì cả 2 nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đều đang bị ô nhiễm chất hữu cơ, ammonia, vi sinh... đã vượt quy chuẩn chất lượng nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt (đặc biệt là chất lượng nước thô trên sông Sài Gòn).
Cùng với đó, tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn vào mùa khô, cũng đang là thách thức lớn đối với ngành nước. Vào mùa khô năm 2016, ở nhiều thời điểm, một số nhà máy của Sawaco như Nhà máy nước Tân Hiệp (khai thác nước sông Sài Gòn) và Nhà máy nước Bình An (khai thác nước sông Đồng Nai) đã phải tạm ngừng lấy nước thô sản xuất do độ mặn nước sông vượt xa quy chuẩn cho phép 250mg/l. Độ mặn trong tháng 3-2016 tại sông Sài Gòn có lúc ghi nhận tới 580mg/l (cao nhất từ trước tới nay). Riêng sông Đồng Nai, độ mặn cũng vượt gấp 2 lần so với quy chuẩn.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, nhờ chủ động các kế hoạch và phương án giải quyết các sự cố nên đã hạn chế được tối đa tác động của xâm nhập mặn và luôn đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM được liên tục, đạt chất lượng. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, tác động nặng nề của biến đổi khí hậu có thể thấy rõ ở các tỉnh ĐBSCL trong thời gian vừa qua đã làm khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng và kéo dài; gây ảnh hưởng, thiệt hại lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. “Nếu không có giải pháp kịp thời cho chiến lược bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu thì nguy cơ thiếu nước trên diện rộng rất dễ xảy ra trong tương lai. Và khi đó, mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều so với các tỉnh ĐBSCL do TPHCM là trung tâm nhiều mặt của cả nước”, ông Bùi Thanh Giang nhận định.
Cần sự sẻ chia
Nhận thức cấp nước sinh hoạt là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM, chương trình cấp nước thông minh được Sawaco đề ra hướng tới việc chủ động ứng phó với các rủi ro; trong đó có vấn đề ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu, đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định và liên tục. Lãnh đạo Sawaco xác định, để ứng phó hiệu quả với ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu và áp lực từ nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng của người dân, phải có các biện pháp chiến lược, lộ trình thực hiện phù hợp và nhất là các chủ trương, quyết sách từ phía chính quyền TP. Để giải quyết vấn đề, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn cho khâu kiểm soát ô nhiễm, nâng cấp dây chuyền công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư phát triển và tái cấu trúc lại mạng lưới cấp nước.
Do vậy, trước mắt với nguồn lực sẵn có, Sawaco giám sát chặt chẽ chất lượng nước; điều phối vận hành các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước để đảm bảo khả năng bổ trợ, duy trì cấp nước an toàn, liên tục khi xảy ra sự cố; phối hợp các đơn vị quản lý hồ chứa nước đầu nguồn để xả nước đẩy mặn, đảm bảo khai thác nước thô liên tục…
Song song đó, giải pháp cho nguồn nước thô ngắn và trung hạn thì đối với sông Sài Gòn, đơn vị nghiên cứu di dời trạm bơm nước thô (công suất 600.000m3/ngày) về phía thượng nguồn trên ngã ba sông Thị Tính (nhánh sông có tải lượng ô nhiễm cao) để lấy được nguồn nước thô có chất lượng tốt hơn và ít bị xâm nhập mặn hơn. Song song đó, xây dựng hồ dự trữ nước thô quy mô nhỏ, kết hợp việc di dời trạm bơm nước thô trên sông Sài Gòn với giải pháp xây dựng hồ trữ nước thô dung tích khoảng 4 triệu m3 ở khu vực huyện Củ Chi. Giải pháp này sẽ tăng cường khả năng dự trữ nước, đảm bảo cấp nước thô liên tục cho các nhà máy nước, ứng phó tốt với tình trạng ô nhiễm và xâm nhập mặn trong ngắn và trung hạn.
Đối với sông Đồng Nai, trước mắt để tăng cường khả năng dự trữ nguồn nước, có thể sử dụng các hồ khai thác đá dọc theo tuyến ống nước thô hiện hữu để làm công trình trữ nước, cung cấp cho các nhà máy khi xảy ra xâm nhập mặn. Với dung tích hồ đá tối thiểu khai thác được trên 4 triệu m3/ngày, có thể tăng năng lực dự trữ, duy trì cấp nước thô cho các nhà máy 1 - 3 ngày khi nguồn nước bị sự cố.
Về lâu dài, đối với sông Sài Gòn, có thể nghiên cứu xây dựng chuỗi các hồ dự trữ nước thô quy mô lớn với dung tích khoảng 15 - 20 triệu m3 trên địa bàn huyện Củ Chi. Sawaco cũng đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong và ngoài nước nghiên cứu các công nghệ mới.
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với mục tiêu nhất quán đảm bảo cấp nước an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, Sawaco khẳng định sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp hữu hiệu. Bên cạnh nỗ lực thực hiện các giải pháp cần thiết của ngành cấp nước, rất cần nhận được sự quan tâm chia sẻ từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là các giải pháp vượt quá khả năng chủ động của doanh nghiệp.