Đã 50 năm trôi qua, nhưng với ông Nhiếp và những công nhân ngành cấp nước thời ấy vẫn nhớ hình ảnh lá cờ tung bay trên tháp nước Sở sản xuất nước sông Đồng Nai. Sau giải phóng, nhà máy đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu trang thiết bị, nguyên vật liệu do nền kinh tế đất nước bị cấm vận. Chủ động trước tình hình khó khăn, tập thể cán bộ, công nhân viên nhà máy đã đưa ra nhiều sáng kiến khắc phục. Để ứng phó với việc thiếu nguồn cung chloroform (Clo) sử dụng khử trùng nước, ông Nhiếp chế ra chiếc máy điện giải Clo từ muối Natri Clorua (NaCl), sử dụng ở bể lọc diệt ký sinh trùng, vi khuẩn và virus gây bệnh trong nước… Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hòa (nguyên quản đốc phân xưởng bảo trì, sửa chữa Nhà máy nước Thủ Đức) không quên hình ảnh anh em công nhân mày mò suốt 2 tuần trong kho tìm những vật liệu đã bị oxy hóa, tỉ mẫn mài, cắt để thay thế các vật liệu đã bị hư hỏng trong nhà máy. Các vật liệu lấy từ xác máy bay, lốp cao su bọc bánh xe tăng… được công nhân tận dụng, sáng chế thành thiết bị thay thế ở các máy móc đang chờ sửa chữa.
Từ nỗ lực của nhiều thế hệ công nhân, thế hệ nối tiếp tại nhà máy đã phát huy sự sáng tạo, không ngừng phát triển, giữ gìn mạch chảy của nhà máy. Công suất nước ban đầu của nhà máy từ 450.000m3/ngày (năm 1966) đã tăng lên 560.000m3/ngày (1975-1982) và nay đã chạm mức 750.000m3/ngày.