Cách đây không xa, từng có vài trọng tài bị treo còi vĩnh viễn do liên quan đến việc cứu một đội bóng. Hoặc gần nhất là ở mùa giải 2012 cũng đã có một số người bị “cắt” vô thời hạn.
Có thể nhận thấy, cái hay của VPF và VFF lúc này là khi trọng tài không làm tròn nhiệm vụ rất dễ lên “đoạn đầu đài” chứ không phải như trước phải coi trọng tài đó theo dây, cạ nào mới biết nên làm gì và làm như thế nào.
Ngày đó, khi BTC V-League hay xa hơn là giải VĐQG còn do VFF điều hành thường có quan niệm “ai nắm trọng tài, người đó biết cục diện mùa giải”. Phía trọng tài cũng tinh ý, biết sếp nào ngồi ghế nào mà lo lấy lòng, quà cáp để được lại quả những trận cầu thơm. Nói như một vị vua áo đen là “thịt”, còn không sẽ bị giao cho các trận “xương” mà sau trận đó dễ là cái cớ để văng luôn.
Cho nên người trong giới còn nhắc lại, có quan chức VFF luôn được trọng tài o bế để cho trận thơm thuộc về mình nhiều hơn nhằm có cơ hội gỡ lại. Đấy là chưa nói, nếu hữu sự cũng có người đứng ra che chở cho tai qua nạn khỏi. Do vậy, hồi trước giới trọng tài luôn tồn tại chuyện bằng mặt mà không bằng lòng, vì thói trâu buộc ghét trâu ăn.
Vài năm nay từ khi VPF điều hành các giải đấu, có thực tế chất lượng trọng tài chưa hẳn giỏi nhưng về độ sạch đã cải thiện nhiều. Một số người ngày xưa quen thói nhờ vả, bợ đỡ gần như bít cửa, bởi sự thật từng chỉ ra có vua sân cỏ lúc trước bắt nhiều trận nhưng tới khi VPF nắm giải, nắm trọng tài thì tỷ lệ làm nhiệm vụ giảm đi rõ.
Bây giờ tới chuyện có gần nửa tá vua áo đen không được gọi tập huấn trước mùa giải 2014 cho rằng điều đó thật vô lý, nhưng với VPF hay VFF lại có lý vì họ gần như đi guốc trong bụng trọng tài, nhưng cái dở là không nói thẳng mà cứ úp mở.
Rõ ràng, chuyện trọng tài lúc này giải quyết nhanh gọn chứ không như hồi đó phải dòm trước ngó sau thử xem có đụng ai không. Tất nhiên việc này sẽ tốt cho giải đấu, còn vấn nạn dây mơ rễ má phần nào đã bị cắt bỏ bớt.
ĐỨC DŨNG