Một ấm trà nhỏ đã trở thành tiêu đề của nhiều kênh truyền thông vào năm 2010 khi giá của nó lên đến 1,94 triệu USD trong cuộc đấu giá của China Guardian’s ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, ấm trà này không phải là từ kim cương hay vàng bạc mà bằng loại cát tím nổi tiếng.
Đối với nhiều người, cái tên này có vẻ xa lạ. Nhưng đó là vật liệu hàng đầu để làm đồ mỹ nghệ vào triều Bắc Tống (960 – 1127). Dù giá của vật liệu này tăng gấp 15 lần trong 3 năm qua nhưng nó vẫn có sức hút mạnh mẽ với làng nghệ thuật gốm thế giới, mà bắt đầu từ nước láng giềng Hàn Quốc.
Cát tím không phải là loại cát đơn thuần mà là tên một loại đá chỉ có thể tìm thấy tại vùng Yixing của tỉnh Giang Tô ở bờ biển phía Đông Trung Quốc. Những tảng đá này được tự nhiên tôi luyện qua hàng vạn năm. Sau đó, nó được nghiền nát và trộn với nước để thay vai trò của đất sét trong việc nặn đồ gốm. Chỉ riêng quá trình này thôi cũng đã mất 1 - 10 năm.
Khi đã có thể bắt đầu tạo hình, các thợ gốm phải hoàn toàn dựa vào tay nghề của mình. Họ chỉ sử dụng đôi bàn tay khéo léo với sự hỗ trợ của một số dụng cụ thô sơ để tạo hình. Tuy nhiên, đồ gốm cát tím lại có độ bóng tuyệt vời và nếu qua bàn tay của một nghệ nhân, độ mỏng của sản phẩm có thể đến 1mm. Chính vì sự thủ công tinh tế này, đồ gốm làm từ cát tím được xem là Di sản văn hóa phi vật thể hàng đầu của Trung Quốc.
Seoul (Hàn Quốc) là TP đầu tiên trên thế giới chiêm ngưỡng 170 kiệt tác gốm cát tím được chế tác bởi 60 nghệ nhân đến từ quê nhà của vật liệu này trong một triển lãm vào cuối tháng 12-2011.
Thanh Hải