Cầu nối văn hóa

“Xuất khẩu” văn hóa 
Cầu nối văn hóa

Trong nỗ lực hội nhập toàn cầu, giao lưu văn hóa được nhiều quốc gia ưu tiên đẩy mạnh. Ngoài mục đích tạo không gian thưởng thức nét đặc sắc từ những khu vực khác nhau, các bảo tàng - trung tâm văn hóa còn giúp thu ngắn khoảng cách, giúp một quốc gia lan tỏa sự ảnh hưởng của mình đến những quốc gia khác. Năm 2012 bắt đầu với hàng loạt kế hoạch khai trương bảo tàng - trung tâm văn hóa đáng chú ý.

Một góc Bảo tàng nghệ thuật châu Phi ở Manhattan.

Một góc Bảo tàng nghệ thuật châu Phi ở Manhattan.

“Xuất khẩu” văn hóa 

Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hàn Quốc tuần qua cho biết, 7 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc do bộ này quản lý đặt tại Hungary, Mexico, Ấn Độ, Thái Lan, Bỉ, Brazil và Ai Cập sẽ lần lượt mở cửa trong năm 2012. Rõ ràng, Hàn Quốc đang nhắm vào việc đẩy mạnh “xuất khẩu” văn hóa của xứ sở kim chi đến bạn bè quốc tế. Năm 2011, 5 trung tâm được thành lập ở Australia, Tây Ban Nha, Indonesia, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khu trung tâm đầu tiên mở cửa ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1979 đến năm 2008, số trung tâm là 12. Đến cuối năm 2012, con số này sẽ là 28. Số trung tâm mới tăng dần qua các năm cho thấy nhu cầu tìm hiểu văn hóa Hàn ở các nước càng ngày lớn.

Những trung tâm văn hóa này tập trung tổ chức các sự kiện: cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc K-pop, liên hoan phim và những phong trào văn hóa nghệ thuật thuộc trào lưu văn hóa Hàn Quốc. Thành công của vòng chung kết Liên hoan K-pop tổ chức ở TP Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang ngày 7-12 có sự đóng góp rất lớn từ việc hợp tác của chính quyền ở các TP lớn như Tokyo (Nhật Bản), New York và Los Angeles (Mỹ) - nơi đặt các Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, cũng là nơi tổ chức các vòng sơ tuyển ở khu vực nước ngoài cho liên hoan.

Trung tâm văn hóa Hàn Quốc còn tạo ra nguồn thu từ việc mở các lớp đào tạo ngắn hạn về ngôn ngữ, K-pop, diễn xuất cho người nước ngoài. Theo thống kê, số học viên tham gia các lớp tiếng Hàn tăng đến chóng mặt ở nhiều TP lớn trên thế giới. Ở Nga, có 380 học viên lớp tiếng Hàn tại trung tâm ở thời điểm tháng 3-2011 nhưng đến tháng 9, con số này đã đạt mức 1.200 học viên.

Bảo tàng giá trị

Song song với xu hướng xuất khẩu văn hóa quốc gia còn có xu hướng du nhập những giá trị nghệ thuật từ các nền văn hóa khác, làm phong phú thêm kho bảo tàng của quốc gia mình. Đó là trường hợp của Mỹ. Sau 7 năm đóng cửa, Bảo tàng nghệ thuật châu Phi (từng được đặt tại khu phố Queens, New York) sẽ tái ngộ công chúng ngay tại trung tâm quận Manhattan, New York vào cuối năm 2012. Tòa nhà Bảo tàng nghệ thuật châu Phi nhìn sang công viên trung tâm quận Manhattan, có tổng diện tích sử dụng là 1.580m2 với chi phí đầu tư khoảng 90 triệu USD. Bảo tàng là nơi tập trung 18 đơn vị chuyên tổ chức các sự kiện, buổi biểu diễn liên quan đến âm nhạc, kịch nghệ và khiêu vũ với mong muốn mang lại những gì đặc trưng nhất của bản sắc văn hóa châu Phi.

Đầu tháng 12-2011, bảo tàng đầu tiên về văn hóa Hy Lạp ở Mỹ mang tên Bảo tàng Hy Lạp cổ đại đã ra mắt tại Chicago. Tòa nhà 4 tầng với tổng kinh phí xây dựng và thiết kế khoảng 20 triệu USD giới thiệu Hy Lạp từ thời cổ đại đến thời hiện đại và một phần của cộng đồng Hy Lạp đã di cư đến Mỹ, tạo nên nét đặc trưng của thế giới Hy Lạp trong lòng nước Mỹ. Bảo tàng có những góc tái hiện truyền thuyết về các vị thần Hy Lạp nổi tiếng trên thế giới như Aristotle, Odysseus, Cyclops... Phần lớn những kiến trúc, văn hóa của thế giới đương đại có sự gắn kết chặt chẽ từ thế giới cổ đại.

Giao lưu văn hóa, nghệ thuật chính là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất trong quá trình kết nối và hội nhập. Đó còn là bản lề, mở ra những mối giao lưu khác, tạo điều kiện phát triển muôn mặt đời sống xã hội.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục