
Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra cầu Sài Gòn 2 đã được khởi công từ cuối năm 2009, sau đó dời vào cuối tháng 4-2010 và thông tin mới nhất dự án này sẽ phải một lần nữa trì hoãn. Một trong những nguyên nhân vì rắc rối chuyện thu phí hoàn vốn.

Phối cảnh cầu Sài Gòn 2
Thời của BOT
Cho đến nay, số lượng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ triển khai theo hình thức đầu tư-xây dựng-chuyển giao (BOT) trên địa bàn TPHCM tính ra không ít. Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng công trình, sau đó được khai thác trong một thời gian nhất định trước khi bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Hình thức khai thác phổ biến nhất đối với công trình hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức BOT từ trước đến nay vẫn là thu phí giao thông.
Những công trình tầm cỡ hoặc có tính thông thương huyết mạch trong số đó có thể nhắc tới các dự án cầu Bình Triệu 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc mới, cầu Phú Mỹ, cầu Đồng Nai 2, đại lộ Nguyễn Văn Linh, liên tỉnh lộ 25B… Cửa ngõ phía Đông Bắc TPHCM hội tụ khá dày đặc dự án BOT.
Suy cho cùng sự bùng nổ các dự án hạ tầng giao thông theo phương thức đầu tư BOT là do có tính khả thi cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh TPHCM rất thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Đó thực chất là một trong những “kênh” để Nhà nước huy động các nguồn vốn trong xã hội. Chính nhờ vận dụng hình thức đầu tư BOT mà một loạt công trình hạ tầng giao thông mới đã được hình thành trên địa bàn TPHCM, làm đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội.
Bài toán không đơn giản
Nhưng không phải lúc nào việc triển khai đầu tư theo hình thức BOT cũng thuận lợi. Bởi vì chỉ khi nào nhà đầu tư thấy bảo đảm khâu hoàn vốn sau này, thì họ mới có thể mạnh dạn chi hàng ngàn tỷ đồng thực hiện dự án. Trường hợp dự án BOT cầu Sài Gòn 2 hiện vẫn chưa gút được phương án hoàn vốn có thể xem như một rắc rối điển hình.
Dự án cầu Sài Gòn 2 bên phải cầu Sài Gòn hiện hữu và dự kiến tổng vốn đầu tư 1.872 tỷ đồng.
Dự án này được lên lịch khởi công trong năm 2009, nhưng phải lùi lại cuối tháng 4-2010 và tin mới nhất là dự án này chưa thể khởi công ít nhất trong vài tháng tới. Một trong những lý do phải hoãn ngày khởi công do các bên liên quan chưa thỏa thuận được phương án hoàn vốn.
Tổng Giám đốc Công ty Cầu Phú Mỹ (PMC) Nguyễn Thành Thái chủ đầu tư dự án nói rằng, sắp tới PMC sẽ bàn thảo cụ thể vấn đề này với TP. Tuy nhiên, phương án hoàn vốn cho công trình BOT cầu Sài Gòn 2 bằng cách thu phí trên xa lộ Hà Nội không hẳn đã bị loại trừ.
Rắc rối ở chỗ, hiện nay trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội đang “gánh” quá nhiều dự án. Cụ thể trạm thu phí này phải đảm đương việc thu phí giao thông để hoàn vốn cho các công trình đường Điện Biên Phủ, cầu Rạch Chiếc mới và công trình mở rộng xa lộ Hà Nội giai đoạn 2.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc Đầu tư và Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) khẳng định, công ty không phản bác việc thu phí hoàn vốn cầu Sài Gòn 2, chỉ có điều trạm thu phí trên cung đường xa lộ Hà Nội không còn khả năng thu thêm dự án nào khác. “Bởi vì tính luôn cả công trình mở rộng xa lộ Hà Nội giai đoạn 2 phải đến năm 2055 mới kết thúc, việc thu phí hoàn vốn các dự án trạm thu phí này đảm trách”, bà Trâm nói.
Dĩ nhiên PMC không thể chờ gần nửa thế kỷ mới đến lượt mình thu phí. Còn lập trạm thu phí khác lại không khả thi, bởi Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính đã quy định rõ: Đối với các đoạn đường bộ bắt đầu thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường có độ dài tối thiểu 70km. Thực tế, trên tuyến quốc lộ 1A, từ trạm thu phí Sông Phan-Bình Thuận đến trạm thu phí Kinh Dương Vương-TPHCM không kiếm đâu ra một vị trí có thể lập trạm thu phí thứ ba!
Rõ ràng đây là bài toán khó đang chờ UBND TPHCM giải quyết.
Thiện Nhân