Cay đắng phận tìm trầm

Khi thông tin 5 người đi trầm ở Quảng Minh, Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị giết dã man giữa rừng chưa nguôi thì ở làng Trúc Ly xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh lại nhói lên những câu chuyện đau lòng từ trầm. Làng này đã có đến 50 người chết vì trầm, hiện có gần 10 người bị bắt giam tại Thái Lan do khai thác trầm trái phép, vợ con ở nhà nơm nớp nỗi lo.
Cay đắng phận tìm trầm

Khi thông tin 5 người đi trầm ở Quảng Minh, Quảng Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị giết dã man giữa rừng chưa nguôi thì ở làng Trúc Ly xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh lại nhói lên những câu chuyện đau lòng từ trầm. Làng này đã có đến 50 người chết vì trầm, hiện có gần 10 người bị bắt giam tại Thái Lan do khai thác trầm trái phép, vợ con ở nhà nơm nớp nỗi lo.

  • Đi trầm bằng máy bay

Làng Trúc Ly mặt hướng ra đầm Chùa, lưng tựa vào quốc lộ 1A, đất chật người đông nên con em của làng đi trầm từ tuổi thanh niên đến tuổi 60. Trưởng thôn Lê Quang Hiếu cũng từng lấy trầm làm nghiệp mưu sinh một thời gian mới giải nghệ. Đây là làng nổi tiếng, gần như nhà nào cũng có một đến ba thành viên theo nghề đi trầm. Trúc Ly có 4 vua trầm. Theo giới thiệu của thợ trầm N., mỗi vua trầm Trúc Ly có một đường dây riêng, quy tụ 50 - 70 phu trầm. “Những năm bao cấp của thế kỷ trước, người Trúc Ly đi trầm nườm nượp ở vùng Quảng Trị, Quảng Bình, đạp ra cả miền Tây Nghệ An, vào Quảng Nam, Tây Nguyên, dường như khắp miền Trung này đều đã đi hết. Trầm trong nước hết thì lao sang Trung Quốc đánh trầm thổ phỉ, sang Lào, Thái Lan” - N. nói.

Năm 2010, khoảng 10 phu trầm Trúc Ly được một đường dây đưa sang Malaysia. Tại đây họ vào rừng sâu và thu được lượng lớn trầm chất lượng cao, về mua ô tô, xây nhà khiến cơn lốc đi Malaysia bắt đầu nóng lên từ đó. Hiện 4 vua trầm của Trúc Ly quán xuyến giá trầm gần như khắp vùng Bắc miền Trung, đã tổ chức cho ít nhất 100 phu trầm qua Malaysia từ sau Tết Quý Tỵ đến nay. Đường đi của các phu trầm rất đơn giản, họ làm hộ chiếu du lịch 1 tháng, vua trầm mua vé máy bay, sang Kuala Lumpur người của đường dây đón về các khu ổ chuột sau đó được đưa vào rừng. Hộ chiếu một tháng chỉ giúp các phu trầm đến được đường rừng, thời gian còn lại, họ sống chui rúc tránh mặt người dân địa phương. Cuối năm, muốn về nước, phải ra khỏi rừng, lăn lộn trong các khu nhà ổ chuột, và trình báo bị mất hộ chiếu du lịch, bị bắt và bị trục xuất về bằng đường hàng không. Đó là câu chuyện của N. từng làm phu trầm ở Malaysia 11 tháng.

  • Khi những người trụ cột ra đi

Trúc Ly có vẻ ngoài hào nhoáng, giàu có hơn gấp bội các làng quê bờ xôi ruộng mật khác, những nhà lầu, ô tô ngày mỗi xuất hiện nhiều nhưng số phận người dân đi trầm lại cay đắng vô cùng. Chúng tôi vào làng, đàn ông và thanh niên đa phần đã xốc ba lô vào các cánh rừng tìm trầm để lại những nỗi mong chờ khoắc khoải với bao mối lo nguy hiểm rình rập.

Nghiệp trầm cay nghiệt đến mức phải bỏ mạng, và người Trúc Ly đã thống kê trong hơn 20 năm gần đây, theo nghề trầm đã có 50 người bị chết do bị cướp bắn, bị đá đè, thú ăn thịt. Năm 2012, người làng Trúc Ly có 4 người bị bắn trong các khu rừng Thái Lan khi đang đi tìm trầm trái phép ở đây. Người thân của 4 phu trầm bị bắn chết không báo cáo cơ quan chức năng mà tự chịu hậu sự sau khi Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan gọi điện thông báo có sự tình và hỗ trợ đưa thi thể về mai táng. Chúng tôi vào nhà của 4 phu trầm bỏ mạng ở Thái Lan trong không khí dò la của nhiều người dân làng, bởi các vua trầm bảo với người lạ không được tiết lộ gì. Ngay như trưởng thôn cũng tìm cách tránh mặt và sức ép không cho dân gặp nhà báo, chỉ đến khi có sự can thiệp trực tiếp của Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, người dân mới kể chuyện cay đắng đời phu trầm.

Chị Nguyễn Thị Lựu có chồng mất vì trầm hiện phải nuôi hai con nhỏ và mẹ chồng là cụ Trần Thị Nhỏ (80 tuổi).

Chị Nguyễn Thị Lựu có chồng mất vì trầm hiện phải nuôi hai con nhỏ và mẹ chồng là cụ Trần Thị Nhỏ (80 tuổi).

Có hai đứa con, đứa lớn lớp 2, đứa nhỏ mới 15 tháng, Nguyễn Thị Lựu (25 tuổi) tưởng như hạnh phúc với chồng là Bùi Văn Quốc, nhưng không ngờ chuyến đi trầm đầu tiên vào đầu năm 2012 của Quốc đã bị bắn chết cùng em họ Nguyễn Văn Triều (30 tuổi) tại rừng Thái Lan. Toàn bộ số trầm có được bị cướp mất, nay Lựu ở vậy nuôi con với nợ nần chồng chất và không nghề nghiệp. Cuối năm 2012 thêm hai nạn nhân xấu số khác là Trần Văn Đoàn (35 tuổi), Phạm Văn Luyên (49 tuổi) cũng bị bắn để lại 2 người vợ góa. Đoàn mất đi, để lại vợ là chị Nhung cùng hai đứa con thơ chưa biết nói. Vì nợ nần quá lớn, chị Loan, vợ anh Luyên, đã phải xuất ngoại qua Lào làm mướn kiếm tiền nuôi con.

Người dân Trúc Ly không chỉ nơm nớp lo người thân chết mà con lo bị bắt bỏ tù bởi giới trầm ở đây luôn xâm phạm trái phép rừng của một số nước khác. Hiện thống kê chưa đầy đủ, Trúc Ly đã có gần 10 người đang bị tù ở Thái Lan, Malaysia, có người bị tù 3-4 năm chưa được thả về, có người mới sang đã bị bắt. Ông Lê Văn T. (68 tuổi) cùng con rể Phạm Văn D. (29 tuổi) thấy người đi trầm giàu có nhanh chóng đã đốc thúc vợ con vay mượn tiền đi kiếm trầm nhưng không may đã bị bắt giam ở Thái Lan cả năm nay, ở nhà bà Phạm Thị Ch. cùng con gái Lê Thị H. phải đi buôn bán đồng nát kiếm sống qua ngày.

Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Lê Thanh Hải cho biết, địa phương chưa thống kê cụ thể số lượng lao động xuất cảnh ra nước ngoài. Bên cạnh một số lao động đi theo đường chính thức (thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu lao động), có một lượng lớn lao động đi theo con đường du lịch. Số này chủ yếu đến Lào, Thái Lan, Malaysia, Myanmar… Vì họ xuất cảnh theo đường du lịch nên địa phương rất khó nắm được những thông tin về số lao động này ở nước ngoài. Bên cạnh số lao động kiếm sống bằng các nghề như kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ, làm thuê, thì có một bộ phận đang tham gia khai thác lâm sản trái phép.

MINH PHONG

Vụ 5 người tìm trầm bị giết dã man

- Nhân chứng nhận diện kẻ thủ ác

- Xác định danh tính 3 đối tượng

- Chủ tịch tỉnh yêu cầu tìm ra thủ phạm

- Lộ diện băng nhóm giết người, bắt cóc đòi tiền chuộc 

Tin cùng chuyên mục