Đó là những năm thập niên 80-90 của thế kỷ 20. Trong xóm dù nghèo hay giàu, hầu như nhà nào cũng có đèn dầu mù u dùng để thắp sáng. Thực ra, phần nhiều người dân đều có đèn dầu (xài dầu hỏa), một số ít khá giả hơn thì có đèn cầy, đèn sạc bình điện, đèn măng-xông nhưng lúc bấy giờ đó là những thứ đắt đỏ, nên phải là những dịp quan trọng thì mới dùng đến. Kinh tế khó khăn, nhà nào cũng có 2-3 cây đèn dầu nhưng được xài hết sức tiết kiệm, tầm 9 giờ tối là phải tắt hết khi cả nhà đi ngủ. Những đêm rằm trăng sáng, cả làng trên xóm dưới ai nấy đều tập trung ra ngoài sân, đám trẻ chúng tôi tha hồ chơi đùa ngắm trăng và cũng là để không phải thắp đèn. Bất tiện nhất của đèn dầu là khói của nó ám đen xung quanh, lỡ sơ ý để gần chỗ treo quần áo trắng thì bộ đồ coi như xong. Vừa triệt để tiết kiệm vừa tiện lợi nên nhiều người dù nhà có đèn dầu vẫn chuộng đèn mù u là vì vậy.
Ở làng quê Nam bộ, nơi nào cũng rợp bóng mù u. Những thân cây sù sì mọc đầy hai bên đường làng, trước sân nhà, sau hè, bờ đê, triền bưng đầy phèn hay ven những bờ sông ngầu đục phù sa. Trái mù u trưởng thành màu xanh nhạt cỡ trái bóng bàn, tròn vo, bên trong có hạt. Tầm cuối thu khi mù u chín trái chuyển màu vàng rồi sang nâu sậm. Trái mù u chín rụng đầy sông, trôi theo dòng nước đến nơi nào đó thì nảy mầm và bén rễ thành cây.
Đám con trai thường lượm trái mù u làm bi để bắn, tụi con gái thì lấy mù u về chơi bán quán, chơi nhà chòi, chơi banh đũa. Hàng mù u rợp bóng là nơi nghỉ mát của các mẹ các chị giữa trưa nơi đồng ruộng, là chỗ dừng chân cho khách bộ hành, những người buôn gánh bán bưng trên bước đường xuôi ngược giữa các xóm, thôn, phum, sóc. Thân mù u cây lớn người ta dùng đóng ghe xuồng, cây nhỏ thì làm cột, dựng chòi lợp lá dừa che mưa che nắng cho xuồng ghe. Đặc biệt, sớ thịt chằng chịt nên gốc mù u được cưa khoanh, gọt láng để làm thớt xắt thịt cá, chắc và bền không chê được. Cây mù u còn là chứng nhân của biết bao hẹn hò trai gái. Và không biết có phải do tên gọi hay không mà mù u thường là nhân chứng của không ít cuộc tình trúc trắc, dang dở, chia ly như nỗi buồn man mác của điệu lý mù u: Trăng sáng chưa qua sông, à ơi mù u chưa chín/ Trăng sáng qua bên sông, à ơi mù u đã rơi…
Mỗi trưa đi học về, bọn trẻ xóm tôi thường quảy theo cái giỏ bàng để lượm trái mù u chín. Quả chín sau khi phơi khô, bọn tôi dùng đá đập vỡ lớp vỏ gáo để lấy ruột vàng bên trong - phần hạt ép lấy dầu vì nó chứa rất nhiều tinh dầu. Sáp và dầu mù u cho vào cái chén nhỏ hay bỏ vô lon sữa bò, đặt cái tim vào giữa là đốt lên hệt như đèn cầy. Dầu nhiều đến mức, chỉ cần lấy nhánh cây quấn bông gòn se với bã mù u cũng có thể làm thành ngọn đuốc nhỏ sáng rực. Buổi tối, nhà nào cũng có cảnh vài ba đứa trẻ chụm đầu ê a học bài quanh cây đèn mù u. Những đêm rằm Trung thu có lẽ là vui nhất. Ngoài những chiếc lồng đèn giấy đủ sắc màu, lung linh nhờ cây đèn cầy nhỏ xíu bên trong, bọn tôi còn cắm hàng chục lon sữa bò - những ngọn đèn mù u quây xung quanh khoảng đất rộng để chạy nhảy cho hả hê, thỏa thích. Từ đằng xa, dưới trăng lấp lánh, ánh đèn mù u tựa như những ngôi sao bé xíu chập chờn lấp lóa trong đêm. Niềm hạnh phúc của đám trẻ quê nghèo đơn sơ thế thôi nhưng ngọn đèn mù u trở thành những ký ức đẹp ngày thơ bé, đi vào giấc mơ của bọn tôi đến tận bây giờ.
Không chỉ dùng thắp sáng, mù u còn là phương thuốc dân gian cực hay. Người ta lấy lá mù u tươi xông khói để trị ghẻ mẩn, mề đay, nhựa mù u trị mụn nhọt rất hiệu quả. Bị mụn nhọt mưng mủ sưng tấy, các bậc cao niên thường lấy dao cứa gốc mù u vài ba nhát, sáng hôm sau lấy nhựa ứa ra từ đó mang về quệt lên miếng vải mỏng, hơ nóng trên than củi rồi dán vào chỗ đau. Mụn nhọt sẽ mau chóng gom miệng, đỡ đau nhức rõ rệt.
Những ánh lửa mù u mờ mờ, tỏa khói xanh dìu dịu lại tràn về trong ký ức khi một mùa Trung thu nữa đang cận kề.
Ở làng quê Nam bộ, nơi nào cũng rợp bóng mù u. Những thân cây sù sì mọc đầy hai bên đường làng, trước sân nhà, sau hè, bờ đê, triền bưng đầy phèn hay ven những bờ sông ngầu đục phù sa. Trái mù u trưởng thành màu xanh nhạt cỡ trái bóng bàn, tròn vo, bên trong có hạt. Tầm cuối thu khi mù u chín trái chuyển màu vàng rồi sang nâu sậm. Trái mù u chín rụng đầy sông, trôi theo dòng nước đến nơi nào đó thì nảy mầm và bén rễ thành cây.
Đám con trai thường lượm trái mù u làm bi để bắn, tụi con gái thì lấy mù u về chơi bán quán, chơi nhà chòi, chơi banh đũa. Hàng mù u rợp bóng là nơi nghỉ mát của các mẹ các chị giữa trưa nơi đồng ruộng, là chỗ dừng chân cho khách bộ hành, những người buôn gánh bán bưng trên bước đường xuôi ngược giữa các xóm, thôn, phum, sóc. Thân mù u cây lớn người ta dùng đóng ghe xuồng, cây nhỏ thì làm cột, dựng chòi lợp lá dừa che mưa che nắng cho xuồng ghe. Đặc biệt, sớ thịt chằng chịt nên gốc mù u được cưa khoanh, gọt láng để làm thớt xắt thịt cá, chắc và bền không chê được. Cây mù u còn là chứng nhân của biết bao hẹn hò trai gái. Và không biết có phải do tên gọi hay không mà mù u thường là nhân chứng của không ít cuộc tình trúc trắc, dang dở, chia ly như nỗi buồn man mác của điệu lý mù u: Trăng sáng chưa qua sông, à ơi mù u chưa chín/ Trăng sáng qua bên sông, à ơi mù u đã rơi…
Mỗi trưa đi học về, bọn trẻ xóm tôi thường quảy theo cái giỏ bàng để lượm trái mù u chín. Quả chín sau khi phơi khô, bọn tôi dùng đá đập vỡ lớp vỏ gáo để lấy ruột vàng bên trong - phần hạt ép lấy dầu vì nó chứa rất nhiều tinh dầu. Sáp và dầu mù u cho vào cái chén nhỏ hay bỏ vô lon sữa bò, đặt cái tim vào giữa là đốt lên hệt như đèn cầy. Dầu nhiều đến mức, chỉ cần lấy nhánh cây quấn bông gòn se với bã mù u cũng có thể làm thành ngọn đuốc nhỏ sáng rực. Buổi tối, nhà nào cũng có cảnh vài ba đứa trẻ chụm đầu ê a học bài quanh cây đèn mù u. Những đêm rằm Trung thu có lẽ là vui nhất. Ngoài những chiếc lồng đèn giấy đủ sắc màu, lung linh nhờ cây đèn cầy nhỏ xíu bên trong, bọn tôi còn cắm hàng chục lon sữa bò - những ngọn đèn mù u quây xung quanh khoảng đất rộng để chạy nhảy cho hả hê, thỏa thích. Từ đằng xa, dưới trăng lấp lánh, ánh đèn mù u tựa như những ngôi sao bé xíu chập chờn lấp lóa trong đêm. Niềm hạnh phúc của đám trẻ quê nghèo đơn sơ thế thôi nhưng ngọn đèn mù u trở thành những ký ức đẹp ngày thơ bé, đi vào giấc mơ của bọn tôi đến tận bây giờ.
Không chỉ dùng thắp sáng, mù u còn là phương thuốc dân gian cực hay. Người ta lấy lá mù u tươi xông khói để trị ghẻ mẩn, mề đay, nhựa mù u trị mụn nhọt rất hiệu quả. Bị mụn nhọt mưng mủ sưng tấy, các bậc cao niên thường lấy dao cứa gốc mù u vài ba nhát, sáng hôm sau lấy nhựa ứa ra từ đó mang về quệt lên miếng vải mỏng, hơ nóng trên than củi rồi dán vào chỗ đau. Mụn nhọt sẽ mau chóng gom miệng, đỡ đau nhức rõ rệt.
Những ánh lửa mù u mờ mờ, tỏa khói xanh dìu dịu lại tràn về trong ký ức khi một mùa Trung thu nữa đang cận kề.