
Sáng 4-11, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Đoàn chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ cùng Trưởng ban lý luận phê bình các hội chuyên ngành nghệ thuật để chuẩn bị thành lập Hội đồng Lý luận phê bình của liên hiệp nhiệm kỳ VI (2005-2010)…
Những lời tự kiểm, băn khoăn và trách nhiệm…
Mỗi hội chuyên ngành nghệ thuật đều có ban lý luận phê bình, nhưng dường như lâu nay, công tác này đã tê liệt. Vì sao? Câu hỏi ấy tự mỗi thành viên đều có cùng một lời đáp gần như đồng nhất. Trách nhiệm có, khả năng có, nhưng làm sao để phát huy trước những vấn đề nóng hổi của xã hội? Tâm tư “lực bất tòng tâm” chính là mối đồng cảm rõ nét nhất trong những lời bày tỏ của từng thành viên ban lý luận phê bình các hội.

Sách báo, văn hóa phẩm trong nước và nước ngoài ngày càng đa dạng, làm thế nào để định hướng thẩm mỹ cho công chúng?
Lời bày tỏ đầu tiên của ông Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật về vấn đề lý luận phê bình hiện nay của các hội, vừa như lời trần tình, vừa như một lời kiểm điểm sâu sắc. Lâu nay, chúng ta chưa tập họp được đội ngũ làm công tác lý luận phê bình, trên nhiều lãnh vực văn học nghệ thuật. Đây là một khoảng trống, vì vậy phần lớn thị hiếu thẩm mỹ của công chúng thời gian gần đây gần như tự phát nếu không muốn nói là loạn chuẩn.
Một số người làm công tác phê bình trước đây đã rút vào nghiên cứu vì sợ đụng chạm và thiếu dũng cảm. Thực trạng này kéo dài nhiều năm và bây giờ, hơn lúc nào hết những người có trách nhiệm với xã hội phải cùng phối hợp để tự tạo nên sức mạnh trước những nhiễu loạn cóp nhặt từ bên ngoài đang từng bước tấn công vào thành trì văn hóa dân tộc.
Trên từng lãnh vực của các hội chuyên ngành đều có những vấn đề bức xúc riêng, những vấn đề mà lẽ ra ban lý luận phê bình của từng hội phải lên tiếng. Nhưng lên tiếng ở đâu? Và làm cách nào để đến được với công chúng bằng một làn sóng mạnh mẽ và làm nên chuẩn mực thực sự định hướng thẩm mỹ cho công chúng?
Văn học, điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc… còn tồn tại biết bao vấn đề cần lên tiếng để bảo vệ cái đúng, cái hay trong mỗi loại hình. Nhưng chúng ta đã im lặng, sự im lặng lâu ngày đâm ra thành thiếu dũng cảm và thiếu trách nhiệm đối với xã hội và công chúng… Đây cũng chính là lời tâm sự chân tình nhất từ những người thực sự có tâm huyết. Nhưng bằng cách nào và làm cách nào?
Đó mới là câu hỏi cần giải đáp. Ông Cao Đức Trường đã đặt câu hỏi vì sao thời điểm trước giải phóng, chúng ta chỉ có vài người mà đã khuấy lên được phong trào “Bảo vệ văn hóa dân tộc” chống lại làn sóng văn hóa đồi trụy của Mỹ, còn bây giờ trước những hiện tượng đáng phê phán như “Bóng đè” hay “Vệ Tuệ”, chúng ta lại có thể làm ngơ? Vì vậy, hơn lúc nào hết, các hội phải đứng bên nhau tạo thành một bức thành trì vững chắc để bảo vệ những giá trị chân chính của nền văn hóa dân tộc.
Chậm còn hơn không…
Vấn đề ở đây là sự nhất trí. Và hội đồng lý luận sẽ hoạt động như một sự cộng hưởng cho nhau trước những vấn đề phải định hướng trong từng hội. Các hội không thể thả nổi cho báo chí trước những vấn đề thuộc lãnh vực của mình. Nhưng mặt khác báo chí cũng chính là cơ quan thông tin tiếng nói của hội thiết thực nhất và có hiệu quả nhất.
Vì vậy, ngoài những bài viết phân tích mạnh mẽ trên các tờ báo chuyên ngành, thì những cuộc hội thảo cho từng vấn đề đáng phải đánh động trong từng lãnh vực của các hội là vô cùng cần thiết. Các báo có thể còn có một số vấn đề không hoàn toàn nhất trí nhau, nhưng với những cuộc hội thảo mang tính định hướng của hội chuyên ngành, tất nhiên những thông tin ấy sẽ khó có thể chệch nhau, dù đứng ở quan điểm nào.
“Lý luận phê bình là ngọn roi quất con ngựa sáng tác lồng lên…” nhưng cũng “… có thể người bị ngã ngựa đầu tiên lại chính là người cầm roi”. Lời ví von tiếp nối của Hội Nhiếp ảnh và Điện ảnh cũng chính là một lời tâm sự, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận và chấp nhận. Bởi đó chính là trách nhiệm của những người đã nhận trách nhiệm trước xã hội và nhân dân…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG