Sau loạt bài “Ma trận” phí bủa vây đầu năm học, Báo SGGP tiếp tục nhận được ý kiến chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dành cho Báo SGGP những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề lạm thu trong trường học.
*Phóng viên: Lạm thu trong trường học chưa bao giờ là câu chuyện hết nóng. Bà có nhận định gì về vấn đề này?
*Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Lạm thu thì không ai đồng tình, đã gọi là lạm thu thì đương nhiên là sai.
Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận lại câu chuyện điều kiện tổ chức hoạt động ở các trường học hiện nay đang chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nếu lạm thu để chi những khoản chi tiêu cực thì cần phản đối, không ai ủng hộ cả, phải dừng ngay để trả lại sự trong sạch, văn hóa, vẻ đẹp của mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò, giữa phụ huynh và thầy cô. Lạm thu liên quan đến những mối quan hệ tiêu cực, dùng để chi cho các khoản không thỏa đáng là không đúng, cần lên án và phải chấm dứt ngay.
Nhưng bên cạnh đó, có những khoản thu phải thu để phục vụ hoạt động học tập mà ngân sách nhà nước không bảo đảm được thì cần phải xem xét.
Nguồn ngân sách để chi cho các hoạt động thường xuyên của trường theo tỷ lệ 82% chi cho lương của giáo viên, ít nhất 18% chi cho các hoạt động. Hiện nay, lương của giáo viên cứ tăng dần, trong khi số tiền ngân sách đưa về các trường không được điều chỉnh nhiều. Do đó, hầu như các trường dùng tiền ngân sách chi cho giáo viên và các hoạt động giảng dạy chủ yếu đã chiếm trên 90%, số còn lại để chi cho hoạt động giáo dục rất hạn chế, nếu không có sự hỗ trợ từ phụ huynh học sinh thì không lấy đâu ra.
Lạm thu đang bị phản ứng là thu quá nhiều và thu để chi cho những mục đích không cần thiết, chủ yếu để giải quyết các mối quan hệ giao dịch giữa phụ huynh và ban giám hiệu, thầy cô. Điều này không để phục vụ cho hoạt động giáo dục, làm xấu đi hình ảnh của nhà trường, thầy cô. Bản thân tôi không đồng tình với khoản thu này.
Nếu như thu để phục vụ cho các hoạt động giáo dục thì tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ. Ví dụ thu để có thêm khoản tiền để thưởng cho các học sinh có thành tích tốt, để sắm thêm thiết bị học tập cho học sinh... Dĩ nhiên dù là thu đúng mục đích cũng phải tính đến câu chuyện quản lý và sử dụng các khoản thu đó như thế nào cho chặt chẽ, hiệu quả.
*Nhiều phụ huynh phản ứng vì ở nhiều nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) được lập ra để thu hộ cho nhà trường?
* Điều này làm xấu đi hình ảnh của nhà trường, đôi khi có nhà trường lợi dụng hoạt động của một nhóm BĐDCMHS để thu các khoản không đúng. BĐDCMHS phải đại diện cho tiếng nói của tất cả những phụ huynh trong lớp, trường. Điều kiện kinh tế của các phụ huynh trong cùng 1 lớp là khác nhau, nếu BĐDCMHS không hài hòa mà lấy cách tiếp cận của những người có điều kiện thu nhập cao để áp đặt cho tất cả là không đúng. BĐDCMHS phải hài hòa được các phụ huynh trong lớp để tạo được sự đồng thuận cao, có tiếng nói với những khoản thu đúng, phù hợp. Có một số phụ huynh trong BĐDCMHS có tâm lý muốn tặng quà cho ban giám hiệu, cho giáo viên... gây bức xúc cho các vị phụ huynh khác.
Tôi cho rằng BĐDCMHS thường là những người rất nhiệt tình, rất tâm huyết với công tác giáo dục, với việc của nhà trường, cô và trò. Không phải ai cũng đủ thời gian cũng như sự nhiệt tình để tham gia BĐDCMHS để lo cho các con. Do đó, chúng ta phải trân trọng đội ngũ này. Chỉ có một bộ phận BĐDCMHS làm không tốt, không đúng vai trò nên gây bức xúc, nhưng không thể chỉ vì một bộ phận BĐDCMHS mà chối bỏ hết công lao của BĐDCMHS.
Với cá nhân tôi có 16 năm làm nghề đứng lớp (trước khi chuyển vị trí công tác), tôi khẳng định đa số giáo viên họ không nghĩ, không trông chờ vào các khoản quà cáp của BĐDCMHS, của phụ huynh. Vì đã chọn nghề giáo thì không ai nghĩ mình giàu có, họ chọn vì đó là yêu nghề kính nghiệp, yêu trẻ.
Giáo viên chỉ cần học sinh ngoan, phụ huynh quan tâm là vui. Học sinh không ngoan, không chăm, giáo viên gọi cho phụ huynh mà phụ huynh trân trọng, phối hợp với cô giáo để quan tâm học sinh, giúp cho học sinh tiến bộ thì giáo viên đã thấy rất được tôn trọng rồi. Vì tâm nguyện của người thầy là thấy học sinh tiến bộ từng ngày, các em chăm ngoan suốt cả quá trình đi học. Giáo viên ở miền núi còn phải bỏ tiền lương để nộp học phí, mua sách vở cho học sinh để các em đến lớp, không bỏ học.
Chúng ta phải nhìn như thế để thấy 1,2 triệu giáo viên trong cả nước thì chỉ có một bộ phận rất nhỏ giáo viên có hiện tượng này hiện tượng kia, số này rất ít thôi. Vì thế không nên quy chụp cho lực lượng thầy cô giáo trong cả nước. Đừng thương mại hóa mối quan hệ thầy và trò, mối quan hệ giáo viên - phụ huynh.
Do đó, câu chuyện lạm thu ở đây, phải nhìn nhận toàn diện và có những chấn chỉnh từ phía cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm thu đúng, chi đúng.