Đe dọa chính sách an ninh
Trả lời phỏng vấn báo Tagesspiegel ngày 4-5, Chủ tịch SPD Rolf Mützenich nêu rõ: “Vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức không giúp tăng cường an ninh mà chỉ có tác dụng ngược lại. Đã đến lúc bỏ việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức trong tương lai”. Quan điểm của ông Mützenich cũng được đồng Chủ tịch SPD Norbert Walter-Borjans ủng hộ. Ông Walter-Borjans bày tỏ quan điểm phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức, đồng thời phản đối kế hoạch của Bộ Quốc phòng nước này mua máy bay ném bom mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Theo ông Walter-Borjans, kế hoạch này sẽ phá hỏng chính sách an ninh thời hậu chiến của Đức được xây dựng quanh chiếc ô hạt nhân của Mỹ.
Không hợp thời điểm
Theo tạp chí Spiegel, Mỹ từng bí mật nâng cấp các vũ khí hạt nhân tại thị trấn Buechel (thuộc bang Rhineland-Palatinate) vào tháng 8 năm ngoái với khoảng 20 quả bom hạt nhân B-61. Phần lớn người dân Đức và châu Âu đều không ủng hộ việc cất trữ, sẵn sàng triển khai các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ, đồng thời phơi bày rạn nứt trong liên minh vốn đã căng thẳng vì hoài nghi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người đồng cấp châu Âu. Chuyên gia tại Trung tâm Thông tin An ninh Xuyên Đại Tây Dương có trụ sở ở Berlin Otfried Nassauer nhận định: “Hầu hết các quốc gia châu Âu đều ngại triển khai thêm vũ khí hạt nhân tầm trung trên lãnh thổ của mình”. Hiện Pháp và Anh đã cắt giảm đáng kể kho vũ khí. Chỉ còn Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.
Hồi năm 2010, Nghị viện Đức đã thông qua một nghị quyết liên đảng thúc giục chính phủ làm việc dứt khoát để yêu cầu đồng minh Mỹ chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân ra khỏi Đức. Đề nghị này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thời đó kêu gọi xây dựng một thế giới phi hạt nhân.
Tuy nhiên sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), thay vì hợp tác để di chuyển bom đi, quân đội Mỹ đang đẩy nhanh hiện đại hóa và nâng cấp chúng. Ông Tobias Lindner, nghị sĩ và là thành viên đảng Xanh đối lập, cho rằng việc cất trữ vũ khí hạt nhân không phù hợp với thời thế vì nếu muốn đối trọng với hệ thống tên lửa tối tân của Nga cần đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại và các thiết bị trinh thám.