Làng biển chạy bão
Từ sáng 27-10, gác lại hết việc nhà mình, ông Phạm Duy Phúc, Trưởng thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cầm loa chạy dọc bờ biển để cảnh báo người dân chủ động chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn. Tiếng loa kêu gọi sơ tán dân của trưởng thôn Phúc lấn át cả tiếng sóng biển cuồng nộ. Từ bờ bên kia, tiếng còi hú của lực lượng Công an xã Bình Hải cũng kêu vọng sang, làm cho cảnh làng biển càng khẩn trương hơn bao giờ hết. Gặp chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Đức Anh, Trưởng Công an xã Bình Hải, nói nhanh: “Từ sáng đơn vị huy động 100% quân số để đến từng ngóc ngách các vùng dân cư xung yếu vận động bà con sơ tán, trú bão. Chúng tôi phải sử dụng cả còi hú để cảnh báo bà con cảnh giác cao với cơn bão này”.
xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Từ khoảng 11 giờ trưa, tất cả dân làng thôn Phước Thiện bắt đầu cuộc sơ tán lịch sử chưa từng thấy. Dọc tuyến đường chính vào thôn, người dân đèo bế nhau, tay xách nách mang chăn màn chiếu gối chạy bão. Mọi người cùng hỗ trợ nhau để chạy trú trước cơn cuồng phong đang hung hãn tiến tới từ biển Đông. Cánh đàn ông trai tráng khiêng những chiếc thúng chai đến nơi an toàn. Tàu thuyền được neo buộc bằng những sợi dây thừng bằng cổ tay.
Cuối làng biển Phước Thiện, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chung (54 tuổi) lo giằng ngôi nhà trước khi chạy bão: “Từ khi tôi sinh ra ở làng biển đến nay, chưa bao giờ chứng kiến cảnh dân làng phải chạy bão đồng loạt như hôm nay. Tôi có con gái mới sinh từ 3 hôm trước, đã đi thuê khách sạn để trú ẩn. Nhiều người dân ở đây cũng đi thuê nhà nghỉ, khách sạn hoặc đến nhà kiên cố của người thân để trú ẩn cả rồi”.
Sau khi lo cho cả làng chạy bão, trưởng thôn Phạm Duy Phúc mới chạy về giằng chống lại ngôi nhà mình. Ông Phúc sốt sắng: “Làng Phước Thiện có 600 hộ dân, trên 2.000 nhân khẩu. Trước cơn bão lớn tôi cứ phải chạy trước để lo cho bà con trú bão an toàn đã rồi mới tới lượt mình. Ở nhà giao hết cho vợ con”.
Trực tiếp chỉ đạo công tác vận động người dân di dời tại bờ biển làng Phước Thiện, ông Đỗ Khiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, khu vực ven biển Bình Sơn được dự báo sẽ nơi bão số 9 đổ bộ trực tiếp. Trong ngày 27-10, địa phương đã sơ tán 25.000 dân đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài những trụ sở, trường học, nhà máy, doanh nghiệp… được trưng dụng, địa phương còn huy động thêm các nhà nghỉ, khách sạn, nhà ở kiên cố để dân trú ẩn.
Ám ảnh Xangsane
Trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, bầu trời Đà Nẵng trong xanh, nắng đẹp. Nhưng với kinh nghiệm từng trải qua siêu bão Xangsane hồi năm 2006, người dân Đà Nẵng hiểu được sau một ngày trời cực đẹp thì hiểm họa bão biển mang tên Molave sắp ập đến.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (56 tuổi, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) lo lắng: “Nghe dự báo là bão ni mạnh hơn bão Xangsane nữa nên không thể chủ quan được. Làm nghề biển, có con thuyền là tài sản quý giá nên gia đình tôi đã nhờ các chiến sĩ công an phường đưa thuyền vào sát bên nhà tránh bão”.
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, do nằm sát biển nên phường cùng người dân đã đưa toàn bộ thuyền thúng máy lên bờ. Riêng các tàu trên 50CV đã di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang. “Rút kinh nghiệm từ bão Xangsane, hiện chính quyền địa phương trưng dụng trường học, trụ sở cơ quan để dân đến trú ẩn. Ngoài ra, một số khách sạn lớn trên địa bàn cũng tự nguyện làm nơi trú ẩn cho dân. Ai không chịu sơ tán đến nơi an toàn thì cương quyết cưỡng chế bằng được”, ông Công cho biết.
Trước tình hình khẩn cấp, để giúp đỡ người dân có chỗ tránh trú bão an toàn, khách sạn Sea Phoenix (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thông báo rộng rãi sẽ làm nơi trú ẩn miễn phí cho dân. Bà Hoàng Thị Minh Phượng, Giám đốc khách sạn Sea Phoenix, cho biết, nhiều người lao động, sinh viên, trong đó có nhân viên của khách sạn đang sống trong khu nhà trọ không an toàn nên bà chủ động dùng khách sạn làm nơi trú bão cho dân. “Bão lớn nên ai cần thì cứ đến, ở bao nhiêu cũng được, miễn sao để mọi người bảo toàn tính mạng qua cơn bão. Khách sạn 14 tầng, 55 phòng, có thể giúp đỡ cả trăm người dân đến tránh trú bão. Chúng tôi sẽ chuẩn bị nước uống, mì tôm để dân có cái mà ăn trú bão ”, bà Phương cho biết.
Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), nhiều người dân có nhà kiên cố đã thông báo lên facebook cá nhân sẵn sàng đón người dân đến trú bão với đầy đủ thức ăn nước uống. Nhà báo Trần Hữu Phúc, công tác tại Báo Quảng Nam đã đưa lên facebook cá nhân số điện thoại cho những ai cần liên hệ đến trú bão. Đối với người già, người tàn tật, anh cho biết sẽ đưa ô tô đến tận nơi để chở đến nhà mình trú bão.
Quảng Ngãi dời trên 115.000 dân, Lý Sơn có gió giật cấp 8 Đến 20 giờ đêm 27-10, tại đảo Lý Sơn đã có gió giật cấp 8, biển động dữ dội. Từ phía đất liền tỉnh Quảng Ngãi chính quyền đang hoàn tất công tác di dời trên 115.000 dân để tránh trú cơn bão số 9. Chiều tối 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đến cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão và các sự cố thiên tai trước, trong và sau bão. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến 17 giờ chiều cùng ngày, địa phương đã hoàn tất việc sơ tán 55.000 người dân ở vùng xung yếu, nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn. Trong chiều tối cùng ngày, Quảng Ngãi đang tiếp tục sơ tán thêm trên 60.000 người dân để tránh trú bão. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9 tại cảng Dung Quất Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, bão số 9 là cơn bão rất mạnh, vùng tâm bão có thể đổ bộ vào Quảng Ngãi, Bình Định. Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Ngãi đến 19 giờ đêm cần phải sơ tán xong 60.000 người dân còn lại. Lực lượng công an cần bảo đảm an ninh trong sơ tán dân, bảo vệ tài sản, nhà cửa cho người dân. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 cần đóng vai trò nòng cốt trong công tác ứng phó, cứu hộ cho người dân trước và sau cơn bão số 9. “Đêm nay tôi đề nghị các đồng chí không ngủ để tập trung rà soát hết lại, làm quyết liệt để ứng phó với cơn bão số 9. Chỗ nào lơ là thì phải kỷ luật ngay”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Tối 27-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng cho biết, địa phương đã yêu cầu tất cả người dân trong tỉnh không được ra đường từ tối nay và trong thời gian bão đổ bộ, đến ngày mai. “Theo phương án Quảng Ngãi di dời 115.000 dân, tuy nhiên con số này có thể sẽ tăng cao hơn so với dự kiến”, ông Dũng cho biết. Tại tỉnh Bình Định, tối 27-10, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Văn Phúc cho biết, đơn vị chức năng vẫn đang nỗ lực liên hệ với các phương tiện lân cận để tiếp cận tìm kiếm 26 thuyền viên trên 2 tàu chìm BĐ 96388 TS và BĐ 97469 TS. Đến chiều cùng ngày, 1 tàu cá đã tiếp cận BĐ 96388 TS để tìm kiếm nhưng vẫn chưa có tung tích. 20 giờ 20 phút tối 27-10, trao đổi với PV Báo SGGP bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, hiện đảo đã có gió giật cấp 8, biển động dữ dội. “Hầu hết người dân trên đảo đều được di dời đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên đây là cơn bão mạnh, Lý Sơn nằm vào họng bão nên nguy cơ thiệt hại nặng nề”, bà Hương cho biết. Tại TP Đà Nẵng, từ 22 giờ ngày 27-10, lực lượng chức năng tiến hành giăng barie, cấm các phương tiện qua lại trên các cầu sông Hàn, cầu Rồng... Lực lượng chức năng tiến hành giăng barie, cấm các phương tiện qua lại trên các cầu sông Hàn Ngoài ra, các lực lượng chức năng tiếp tục khẩn trương gia cố những công trình xung yếu trên các tuyến đường, cầu vượt như biển hiệu, biển quảng cáo, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao... |
Sáng nay 28-10, bão số 9 đổ bộ vào miền Trung Theo cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia vào lúc 21 giờ ngày 27-10, tâm bão số 9 cách TP Đà Nẵng khoảng 475km, cách Quảng Nam 420km, cách Quảng Ngãi 378km, cách Phú Yên 310km. Bão số 9 đạt cấp 14 (vận tốc gió xoáy là 150 - 165km/giờ), giật tới cấp 17. Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 20 giờ ngày 27-10, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bắt đầu có gió cấp 8, giật cấp 10. Dự báo sáng 28-10, tâm bão số 9 đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15. Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối 28-10. Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, khu vực Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10. Đây là cơn bão rất nguy hiểm, lần đầu tiên Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đánh dấu cấp 4 về độ rủi ro thiên tai cho một cơn bão ở Việt Nam. |