Chạy đua tuyển sinh thời 4.0

Sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang thể hiện rõ trong kỳ tuyển sinh đại học - cao đẳng năm 2020. Hàng loạt trường, kể cả trường đào tạo ngành kinh tế, đua nhau thông báo tuyển sinh những ngành nghề đáp ứng xu thế cuộc CMCN 4.0, trong đó có những ngành nghề mới mở. 

Vấn đề đặt ra là các trường đã đáp ứng điều kiện đến đâu, từ giảng viên chuyên môn, chương trình đào tạo, đến cơ sở thực hành, thực nghiệm?  

Chạy đua tuyển sinh thời 4.0 ảnh 1 Sinh viên học tại phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sức nóng ngành học 4.0 

Kỳ tuyển sinh năm 2020, hàng loạt trường đại học (ĐH) trên địa bàn TPHCM thông báo tuyển sinh các ngành mới liên quan đến cuộc CMCN 4.0. Đáng chú ý là các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM mở nhiều ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến mở 5 ngành mới gồm: Kỹ thuật hàng không; Kỹ thuật y sinh; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Kỹ thuật cơ điện tử - chuyên ngành kỹ thuật robot; Khoa học máy tính (tiếng Nhật).

Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đây đều là những ngành chủ lực của cuộc CMCN 4.0 và đô thị thông minh. Trong hiện tại và tương lai, nhu cầu nhân lực những ngành này rất lớn. 

Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến mở đến 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu.

Trước đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế cũng đã tuyển ngành này. Ngay cả Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu trong kinh doanh. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có thêm ngành mới là Hệ thống nhúng và IoT. Năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dự kiến tuyển sinh 2 ngành mới là IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, Khoa học dữ liệu. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo. 

Kỳ tuyển sinh năm 2019, một số ngành nghề theo xu hướng CMCN 4.0 chỉ mới được một số trường ĐH tuyển đầu vào hạn chế. Điển hình như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Trường ĐH FPT tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tuyển sinh ngành Robot và trí tuệ nhân tạo.

Nhưng năm 2020, theo các chuyên gia giáo dục, đang có sự bùng nổ trong tuyển sinh các ngành liên quan CMCN 4.0, việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của giáo dục và đào tạo, cũng như nhu cầu của xã hội hiện nay.

Lo hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất

Theo PGS-TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2019 trường thí điểm mở 2 ngành Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo và mỗi ngành chỉ tuyển 40 chỉ tiêu. “Thực tế trường mở ngành này là từ nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài và những doanh nghiệp lớn trong nước.

Nhu cầu này hiện nay rất lớn nhưng luôn cần những người giỏi thật sự”, PGS-TS Trần Văn Tớp cho biết. Để mở những ngành này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chuẩn bị khá kỹ điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực như chuyên gia về công nghệ thông tin, toán, siêu máy tính, phòng thí nghiệm thực hành, mô phỏng...

“Hiện nhiều trường đang chạy đua theo sức hút của những ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... mà chủ yếu là để có nhiều người học. Việc thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo là rất đáng lo”, PGS-TS Trần Văn Tớp băn khoăn. 

Còn PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết năm 2019 trường chỉ xác định 20 chỉ tiêu tuyển sinh ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo nhưng có đến 293 nguyện vọng đăng ký và điểm chuẩn là 25,2.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo là một ngành đón đầu kỷ nguyên số tương lai như một nhu cầu cấp thiết, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho sự phát triển về khoa học và công nghệ của đất nước. Do đó, đòi hỏi chuẩn bị tốt nhân lực, điều kiện vật chất để đào tạo đầu ra đảm bảo chất lượng. 

Thông tư 22 về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT quy định: Các ngành nói chung (không phải là các ngành đặc thù) phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo. Trong đó, có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. 

Để chuẩn bị mở ngành Trí tuệ nhân tạo, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trường đặt vấn đề đội ngũ giảng viên trước tiên. Sau đó ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và chuẩn bị các điều kiện để đào tạo. Về chương trình đào tạo, nhà trường cũng đã làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng mang tính chất cập nhật, hiện đại, thực tiễn.

PGS-TS Lê Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cũng cho biết xu thế chung của cuộc CMCN 4.0 là cuộc đua về công nghệ 4.0 gồm IoTs, Big Data, AI, 3D printing, Nano, Bio, Robotics, New energies, new materials, đô thị thông minh... Trường ĐH đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực để đáp ứng.

Chính vì vậy, không chỉ ngành học mang tính cấp bách cho cuộc CMCN 4.0 mà trường phải rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng; đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số.

Tin cùng chuyên mục