Còn nhớ trước thời điểm Nghị định (NĐ) 45 có hiệu lực, thị trường ô tô gần như tê liệt, hàng loạt doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa hoặc sáp nhập để cầm cự, doanh số gần như “zê-rô”. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh ô tô ngậm ngùi bán tháo những chiếc xe còn lại để chuyển hướng kinh doanh.
Nguyên nhân, một mặt do tác động kinh tế trong nước gặp khó khăn, nhưng phần lớn do thủ tục siết nhập khẩu ô tô nguyên chiếc mới 100% không chính hãng, cùng với phương án tăng thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng.
Trên thực tế, NĐ 45 quy định cho phép Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền chủ động quyết định cụ thể mức thu lệ phí trước bạ phù hợp với thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay (tháng 9-2011) vẫn chưa có địa phương nào ban hành văn bản chính thức về việc tăng lệ phí trước bạ xe ô tô. Dù vậy, do tâm lý “né” phí trước bạ của người tiêu dùng đã khiến thị trường ô tô “tỉnh giấc”, trở nên sôi động.
Theo đại diện Công ty Western Ford TPHCM, chỉ trong tháng qua đơn vị đã bán hơn 80 ô tô loại từ 16 chỗ ngồi trở xuống, trong đó dòng xe dưới 10 chỗ ngồi chiếm đến 80%. Đây là con số nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp. Bởi trước đó, cao lắm mỗi tháng doanh nghiệp chỉ bán được 40-50 chiếc.
Các đại lý của Toyota Việt Nam cho biết, gần đây khá nhiều khách hàng gọi điện hỏi thông tin về phí trước bạ cũng như thời gian giao xe có trước khi NĐ 45 có hiệu lực? Bởi họ cho rằng, nếu khả năng áp phí trước bạ ở mức trần như NĐ 45 sẽ phải trả thêm từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi chiếc xe.
Tuy nhiên, trong khi nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh ô tô nhập khẩu giảm giá để bán số xe tồn kho lâu nay, thì một số đơn vị tên tuổi lại lợi dụng việc người mua chạy phí tạo ra cơn khan hiếm cục bộ để làm phiền lẫn làm tiền khách hàng.
Câu chuyện Công ty TNHH TM XNK An Phú Gia đang nhờ luật sư khởi kiện Công ty CP TM DV Ô tô Bến Thành ra tòa án là một minh chứng về câu chuyện làm giá xe “ăn theo” thông tin tăng lệ phí trước bạ hiện nay. Ông Trần Duy Phú, đại diện An Phú Gia cho biết, ngày 13-7 có ký hợp đồng mua 1 chiếc Hyundai Sonata 2.0AT, 5 chỗ với giá 960 triệu đồng và đặt cọc 50 triệu đồng; phía ô tô Bến Thành thỏa thuận sẽ giao xe trong tháng 8-2011.
Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt trễ hạn hợp đồng, đến thời điểm này bên bán vẫn chưa thông báo ngày giao xe với lý do chưa có hàng! Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, hiện nay một số nhà phân phối xe Hyundai khác như: Ô tô An Sương, Bình Triệu, An Lạc… đều có xe, nhưng khách hàng muốn mua được chiếc xe tức thì theo yêu cầu phải trả thêm phần “tiền ngoài” với giá 30 triệu đồng, ngoài số tiền ghi trên hợp đồng (!?).
Điều này cho thấy hãng Hyundai không hiếm hàng, mà do các đại lý có ý định chèn ép khách hàng nếu muốn lấy xe sớm để trục lợi thêm phần lợi nhuận. Đây cũng là hệ lụy mỗi khi có thông tin chính sách tăng thuế, phí trước bạ và người thiệt thòi luôn là người tiêu dùng.
Rõ ràng, phí chưa “chạy”, nhưng vì nóng ruột, không chờ thông tin chính thức, người mua xe đã vội vã chạy phí, gây thiệt hại cho chính mình. Bài học này luôn tái diễn, vẫn chưa cảnh tỉnh được người tiêu dùng.
LẠC PHONG