Đi tìm nguyên nhân xe cháy

* Có phải xăng là thủ phạm?
Đi tìm nguyên nhân xe cháy

* Có phải xăng là thủ phạm?

Gần như ngày nào cũng có xe máy hay ô tô bị “bà hỏa” thiêu rụi. Hàng chục vụ cháy phương tiện giao thông liên tiếp xảy ra tại nhiều tỉnh thành từ đầu tháng 12 tới nay đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người dân. Trong khi đó, nguyên nhân của các vụ cháy xe cũng như trách nhiệm vẫn chưa được xác định rõ ràng, cụ thể khiến dư luận hoang mang lo lắng...

  • Chẳng tha xe nào

Sau những vụ cháy xe lẻ tẻ xảy ra trước đó thì vụ nổ cháy xe máy Honda Super Dream xảy ra vào ngày 1-12 tại Quế Võ, Bắc Ninh làm thai phụ Nguyễn Thị Quỳnh tử vong tại chỗ và con gái chị Quỳnh là cháu Nguyễn Khánh Vân (4 tuổi) tử vong đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, đau xót. Đáng buồn hơn, gần một tháng sau vụ nổ thảm khốc này, đến nay nguyên nhân và trách nhiệm vụ nổ vẫn đang trong quá trình điều tra.

Chỉ sau vụ nổ trên ít ngày, một chiếc xe Honda Air Blade đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội bỗng bốc khói từ dưới gầm và ít phút sau lửa bao trùm và thiêu rụi chiếc xe. Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp trong ngày 12 và 13-12, một chiếc xe SH và một chiếc Attila Elizabeth của hãng SYM cũng đang chạy trên đường phố Hà Nội bỗng bốc cháy ngùn ngụt và biến thành đống phế liệu.

Không chỉ xảy ra ở Hà Nội, liên tiếp những ngày sau đó, tại nhiều tỉnh, thành phố từ TPHCM, Đà Nẵng cho tới Bình Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh... cũng xảy ra cháy xe máy. Không chỉ có xe của Honda hay SYM bị “bà hỏa” thiêu rụi mà xe của Yamaha, Suzuki hay xe Trung Quốc cũng bị lửa thiêu còn trơ khung.

Cùng với hàng loạt vụ cháy xe máy, ô tô một loại phương tiện được xem là an toàn, có giá trị cao cũng liên tiếp bị “bà hỏa” hỏi thăm, khiến nhiều người cảm thấy lo lắng khi sử dụng hai loại phương tiện giao thông phổ biến ở nước ta.

Chỉ vài tiếng sau vụ cháy xe Mercedes 300E trên đường Nguyễn Xiển, Hà Nội vào chiều 18-12 thì tới tối cùng ngày, chiếc xe buýt BKS 33M-1625 của Công ty cổ phần Ô tô khách Hà Tây vừa chạy qua cầu Tế Tiêu, đến khu vực gần UBND huyện Mỹ Đức đột nhiên chập điện và bốc cháy.

Rồi sau đó một ngày, tối 19-12, chiếc xe hiệu Hyundai giường nằm 45 chỗ mang BKS 29LD-4088 đang đi theo tuyến Hà Nội - Điện Biên đến địa phận thành phố Hòa Bình thì bốc mùi khét lẹt và sau đó lửa bùng lên dữ dội thiêu rụi chiếc xe chưa đầy 1 giờ.

Mới đây nhất vào chiều 26-12, ô tô Lacetti BKS 98H-3832 đang lưu thông trên đường làng tại thôn Kim Xuyên, xã Tân An, huyện Yên Dũng, Bắc Giang thì capo bỗng dưng bốc khói nghi ngút...

Xe Yamaha Luvias bốc cháy khi lưu thông trên đường Lê Quang Định quận Bình Thạnh TPHCM sáng 25-12. Ảnh: Tuấn Vũ

Xe Yamaha Luvias bốc cháy khi lưu thông trên đường Lê Quang Định quận Bình Thạnh TPHCM sáng 25-12. Ảnh: Tuấn Vũ

  • Kiểm tra xung quanh... trước khi chạy xe

Rõ ràng, các vụ cháy nổ xe máy, ô tô liên tiếp xảy tại nhiều địa phương đã khiến cộng đồng và xã hội hoang mang lo lắng. Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Công an đã đưa ra một số nguyên nhân cháy nổ xe máy, ô tô, trong đó nguyên nhân chủ yếu là sự cố chập điện, hoặc đang để xe trong khu vực bị cháy nên bén lửa và một số vụ do tai nạn giao thông.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng được đề cập tới như: lưu hành xe quá cũ, quá tải, sử dụng nhiên liệu không đúng chủng loại, thậm chí nhiều chủ phương tiện sau khi mua xe thường lắp thêm phụ kiện khác quá trình sử dụng bị hỏng, gây chập điện dẫn tới cháy nổ.

Trước nhiều nguyên nhân gây cháy nổ phương tiện giao thông xảy ra, Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, cho rằng nhiều vụ cháy xe máy, ô tô liên tiếp xảy ra trong thời gian qua là hiện tượng không bình thường.

Tuy nhiên để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể trong từng vụ việc phải tiến hành điều tra cẩn thận, rõ ràng, các kết luận phải dựa trên cơ sở khoa học nên cần có thời gian để các chuyên gia phân tích, đánh giá và giám định.

Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC đang tiến hành tập hợp báo cáo về những vụ cháy nổ ô tô, xe máy trên toàn quốc từ công an các địa phương, làm cơ sở để sớm có kết luận chính thức.

Xe Honda Lead bốc cháy trên QL5, thuộc địa phận huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chiều 16-12. Ảnh: G.DŨNG

Xe Honda Lead bốc cháy trên QL5, thuộc địa phận huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chiều 16-12. Ảnh: G.DŨNG

Chiều 27-12, trao đổi với PV Báo SGGP về các vụ cháy nổ xe máy, ô tô xảy ra gần đây, ông Đỗ Hữu Đức, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận định rằng, hiện tượng ô tô, xe máy bị cháy nổ không phải hiếm gặp trên thế giới bởi bản thân chiếc xe luôn là một “quả bom cháy”, luôn có sẵn chất cháy và nguồn nhiệt để châm mồi cháy.

Trên thực tế, xe có thể cháy, nổ do va chạm, đâm, đổ xe; do nhiên liệu bị rò rỉ, bị tràn vào các bộ phận phát tia lửa điện; cháy, chập hệ thống điện. Thậm chí có thể cháy do ống xả của xe tiếp xúc trực tiếp với vật liệu dễ cháy trên đường như túi nylon, rơm rạ... Theo số liệu thống kê tại Anh, hàng năm, cứ 1.000 ô tô đăng ký thì có 2 xe bị cháy, nổ.

Theo quy định về đăng kiểm chất lượng xe cơ giới, nếu chiếc xe mẫu của doanh nghiệp được kiểm tra, thử nghiệm đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường... thì Cục Đăng kiểm sẽ cấp giấy chứng nhận kiểu xe đó. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, với chức năng nhiệm vụ của mình, Cục Đăng kiểm chỉ có thể gửi công văn nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy trong nước rà soát lại quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm.

Để hạn chế xe cháy nổ, ông Đức khuyến cáo không sử dụng nhiên liệu, phụ tùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trước khi ngồi lên xe hãy... đi một vòng quanh chiếc xe của mình, kiểm tra sơ bộ tình trạng các bộ phận chính liên quan đến an toàn như phanh, rò rỉ nhiên liệu, điện...  

NGUYỄN QUỐC - BÍCH QUYÊN
 

Có phải xăng là thủ phạm?  

Trưởng khoa Cơ khí động lực, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Vũ Trí Xương: Đặc điểm của hệ thống máy trên xe gắn máy hoặc ô tô, các tác nhân gây cháy thường là nhiệt và điện. Xe trong quá trình lưu thông sẽ phát sinh nhiệt và xe càng có phân khối lớn càng sản sinh ra lượng nhiệt lớn. Một khi xe lưu thông chậm trên đoạn đường với mật độ đông, lại ở số thấp, thì nhiệt trong xe lại càng lớn hơn nhiều lần. Đây là môi trường cực kỳ thuận lợi cho việc phát sinh cháy, nổ.

Tác nhân thứ hai là nguồn điện, chiếm 70%-80% nguyên nhân gây cháy nổ trên xe. Đầu tiên phải kể đến hệ thống dây điện trên xe không đảm bảo chất lượng, vỏ bị hở hoặc lớp cao su bên ngoài dây điện không đảm bảo. Không loại trừ, người sử dụng tự ý lắp đặt thêm các hệ thống dây điện khác không đạt chuẩn. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, đặc biệt đối với các xe đã có thời gian sử dụng lâu, các rắc nối, mạch đề, mạch còi bị lỏng, dẫn đến phát sinh tia lửa điện.

Trong các nguyên nhân, không thể bỏ qua tác nhân khác cực kỳ nguy hiểm là xăng. Hiện trên thị trường đã xuất hiện loại xăng được pha với acetone (đây là loại dung môi dùng trong ngành công nghiệp sơn, có tính tẩy rửa mạnh, ăn mòn cao, lại dễ bay hơi), loại xăng này gây ra biến đổi vật lý đối với các rắc nối bằng cao su, hoặc khớp nối cao su giữa các bộ phận máy, từ đó dẫn đến rò rỉ xăng.

Điểm đặc biệt theo tôi quan sát, các vụ cháy vừa qua xuất phát từ gầm xe hoặc dưới yên xe. Về nguyên lý, đó là những nơi có nhiệt độ cao, có khoảng không để chứa không khí, một khi có hơi xăng và phát sinh tia lửa điện, việc cháy, nổ là điều tất yếu.

* PGS-TS Nguyễn Khắc Trai, Viện Cơ khí động lực, Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa Hà Nội: Ngoài các nguyên nhân như chập điện, chảy xăng, va chạm giao thông, nhiên liệu không đảm bảo chất lượng cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ xe. Nếu xăng dầu bị trộn thêm các dung môi hòa tan như cồn công nghiệp rất nguy hiểm cho động cơ xe, trong khi những đối tượng kinh doanh làm ăn gian dối lại được hưởng lợi.

Các dung môi lẫn trong xăng có thể tác động dần dần, bào mòn và làm thủng các loại vật liệu bằng cao su, nhựa trong xe gây rò rỉ nguyên liệu, chập điện dẫn tới cháy nổ.

T.HÂN  


- Thông tin liên quan:

>> Một ngày 3 vụ cháy xe máy, ô tô

Tin cùng chuyên mục