
“Nếu phải diễn tả hình ảnh tương lai của thế hệ con cháu mà chúng ta muốn chúng trở thành, chúng ta sẽ nói rằng: Hãy giống như Che. Nếu phải bày tỏ lòng mong ước con cháu mình sẽ được giáo dục như thế nào, chúng ta sẽ nói không chút ngần ngại rằng: chúng ta muốn chúng được giáo dục theo tinh thần của Che” (Phát biểu của Fidel Castro trong buổi lễ tưởng niệm Che Guevara ngày 18-10-1967).
Trong thập niên 65 - 75 của thế kỷ trước, một người đàn ông có mái tóc dài, đội mũ bê rê đen có tên Che Guevara (tên thật là Ernesto Guevara Lynch de la Serna) được nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc biểu tình phản chiến, chống áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Huyền thoại về nhà cách mạng người Argentina này không bao giờ dứt, từ những ngày phong trào cách mạng ở châu Mỹ latinh bùng lên dữ dội, mà cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài Batista ở Cuba là điểm khởi đầu.
Anh là hình tượng của tính khí sôi nổi, nhiệt tình nóng bỏng, vô tư và phiêu lưu của tuổi trẻ, là thần tượng của tình đồng chí cao đẹp khi người ta nhắc đến tình bạn gắn bó giữa hai người Che Guevara và Fidel Castro, người bác sĩ cách mạng, có tấm lòng hy sinh cao cả, tất cả vì người nghèo ở châu Mỹ latinh, châu Phi đầy khốn khó.
Cuộc đời đầy chất thơ, lãng mạn của Che Guevara như một huyền thoại, mỗi đoạn đời anh đi qua đều để lại những dấu ấn không phai. Tốt nghiệp trường y, lang thang làm đủ thứ nghề (phóng viên báo chí, chụp ảnh đường phố...), số phận đã khiến Che gặp Fidel Castro (đang sống lưu vong) tại Mexico khi đang làm việc ở Bệnh viện Tổng hợp năm 1955, hai người đã trở thành bạn chí cốt của nhau và từ đó chàng thanh niên này lao vào con đường đấu tranh vũ trang với tên “Che Guevara” mà bạn chiến đấu của anh đặt cho.
Ngày 25-11-1956, Che Guevara cùng 82 người khác trong đó có Fidel Castro và những đồng chí trong Tổng tham mưu quân cách mạng Cuba trở về tổ quốc trên con tàu Granma nổi tiếng. Cuộc chiến tranh du kích bắt đầu từ đó. Lực lượng cách mạng Cuba phát triển lớn mạnh không ngừng, gần hai năm rưỡi sau, ngày 1-4-1959 đoàn quân của Che kết hợp nhiều cánh quân khác tiến vào thủ đô La Havana, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh lật đổ chế độ độc tài ở Cuba, xây dựng một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên đầy thách thức ở châu Mỹ latinh, ngay trước mũi nước Mỹ.
Không những là một nhà chiến lược tài ba về quân sự, một bác sĩ da liễu đầy lòng nhân ái mà Che còn là người say mê du lịch và là một tay săn ảnh nghệ thuật không kém giới chuyên nghiệp, chụp bất cứ nơi nào anh đi qua. Bộ sưu tập 211 tấm ảnh nghệ thuật này được người con trai của anh (Camilo Guevara) cho trưng bày tại Hamburg (Đức) vào năm 2003, đã gây sửng sốt cho mọi người trước tài hoa của Che.
Quyết tâm giải phóng hoàn toàn châu Mỹ latinh, châu Phi ra khỏi gông cùm và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc vẫn không ngừng nung nấu trong lòng Che Guevara, tháng 3-1963 anh xin thôi các chức vụ quan trọng trong chính phủ của Fidel Castro để đi Congo, Tiệp Khắc; đầu tháng 11-1966 sang Bolivia xây dựng phong trào đấu tranh du kích vô cùng gian khổ. Trên đường di chuyển, không may anh đã bị lính biệt kích của CIA (cơ quan tình báo Mỹ) ám hại và hy sinh tại làng Vallegrande (Bolivia) vào ngày 9-10-1967 lúc vừa tròn 39 tuổi (1928 - 1967).
Hình tượng của Che Guevara vẫn còn sống mãi trong lòng thanh niên thế giới, biểu tượng của sự phẫn nộ, sức phản kháng vì hòa bình và hạnh phúc của loài người, vì sự nghiệp giải phóng áp bức và nghèo đói. Chính vì thế, ngay trong những cuộc biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trước kia và phản đối chiến tranh ở Iraq ngày nay, người ta vẫn nâng cao di ảnh của Che, hô vang khẩu hiệu đả đảo đế quốc.
Một ngày chủ nhật cuối tháng 3-1968 khi đang lang thang trong phố bán sách cũ gần ga Kanda (Tokyo) tôi đã gặp Che trên bài điếu văn của Fidel Castro trên trang nhất tờ báo Granma trong cửa hàng bán sách “đỏ”, đọc ngấu nghiến và bị thu hút vào những dòng chữ hùng biện của nhà lãnh tụ cách mạng châu Mỹ latinh. Từ đây, con đường đưa tôi về với cộng đồng yêu nước, hòa nhập vào cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản chống chiến tranh của quân đội Mỹ trên đất nước thân yêu đang bùng lên dữ dội. Phải thú thật là tôi khá bàng hoàng trước mọi điều mới lạ mà khi còn ở Sài Gòn chưa bao giờ biết đến…và cứ thế anh em ở Nhật bắt đầu chuyền tay nhau những tư liệu quý hiếm, một mẩu tin trên tờ báo Thống Nhất từ miền Bắc đã trở thành “bản tin” cực hay trên tờ báo Sứ Mệnh của phong trào yêu nước ở Nhật Bản.
Cư xá tôi ở là nơi tụ tập những sinh viên Nhật Bản đến từ mọi miền, lúc nào cũng sôi động với biểu ngữ, truyền đơn của các phong trào sinh viên phản chiến, là “căn cứ” để anh em Việt Nam tụ tập in báo, viết bài sôi nổi. Hình ảnh của Che Guevara đã hòa nhập trong những người thanh niên tiến bộ, là hiện thân của phong trào tiến bộ thời bấy giờ, là tiếng hô hưởng ứng “Tổ quốc hay là chết” (Patria o muerte) của người dân Cuba mà Che Guevara là một thành viên tích cực nhất trong sự nghiệp làm nên chiến thắng vĩ đại của cách mạng ở châu Mỹ latinh…
Venceremos (chiến thắng)! Patria o muerte! Venceremos!
Hồng Lê Thọ (Tokyo)