Tại diễn đàn Logistics Việt Nam lần 3 vừa được tổ chức ở TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics cho hay, chi phí logistics Việt Nam nằm trong khoảng 20% - 25% GDP, cao hơn 10% so với mức bình quân các nước đang phát triển trong khu vực. Nếu tính trên giá trị thực tế, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phải “cõng” thêm chi phí từ 10 - 15 tỷ USD/năm so với các nước cùng trình độ phát triển. Điều này đã khiến sức cạnh tranh sụt giảm đáng kể!
Thời gian gần đây, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có rất nhiều cố gắng trong việc cân đối, tổ chức lại hoạt động vận tải cho hợp lý hơn, song hoạt động vận tải Việt Nam còn rất nhiều bất cập, chi phí vận tải vẫn tiếp tục ở mức cao…
Giao thông không thuận lợi cũng làm tăng chi phí vận tải Ảnh: Cao Thăng
Đường bộ: 50% xe tải thường xuyên chạy rỗng chiều về
Nói về hiệu quả sử dụng các phương tiện vận tải ở Việt Nam, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, đồng thời là chủ một doanh nghiệp (DN) vận tải lớn có tên tuổi ở khu vực phía Nam, cho biết thường xuyên có đến 50% xe tải chở hàng hóa đi, phải chạy xe rỗng ở chiều về do không tìm được nguồn hàng. Vào những mùa lễ, tết, nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, số xe chạy rỗng có giảm một chút nhưng vẫn ở mức cao: khoảng 40%. Tình trạng cục bộ địa phương trong giới vận tải, “cung” phương tiện vận tải nhiều hơn “cầu” chuyên chở hàng hóa, đặc biệt vào những thời điểm kinh tế khó khăn, là nguyên nhân chính của vấn đề này, ông Bùi Văn Quản nhận xét.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM là một trong những hiệp hội vận tải hàng hóa lớn của Việt Nam và câu chuyện của họ không phải là cá biệt. Tuy nhiên, phải chạy “rỗng” chiều về chỉ là một phần trong những tồn tại cần tháo gỡ của ngành vận tải. Hệ thống đường giao thông ở Việt Nam đa phần nhỏ, lại là giao thông hỗn hợp với nhiều loại xe cùng đi đã làm cho thời gian vận chuyển bị kéo dài. Chưa kể, khi lưu thông vào các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, nhiều xe tải còn bị ách tắc giao thông tới hàng giờ (dù là đi trên đường Vành đai). Tải trọng thông hành trên đường thấp, chi phí vận tải vì thế càng bị đẩy lên cao. Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường cao tốc huyết mạch, nhưng chưa thu hút được nhiều xe tải tham gia vì phí lưu hành cao. Sự phân bố của các vị trí đầu mối hàng hóa như nhà ga, cảng, sân bay chưa được kết nối thuận tiện với các khu công nghiệp (KCN) và vùng sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu. Chi phí vận tải hàng hóa của nhiều DN bị đội lên rất nhiều lần do bất cập này.
Liên tiếp trong hai kỳ tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam lần 2 và 3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, đều than phiền về việc Tập đoàn Hoa Sen và nhiều DN đặt nhà máy tại KCN Phú Mỹ buộc phải chở hàng hóa đi 160km (hai chiều đi và về) tới khu cảng ở TPHCM để xuất hàng, khiến chi phí vận chuyển của Tập đoàn Hoa Sen tăng lên 3 lần. Hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đưa bằng đường bộ để lên các cảng thuộc khu vực TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc này như chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày trước Quốc hội, đã làm chi phí phát sinh thêm đến hàng trăm triệu USD/năm. Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ làm luồng cho tàu lớn vào sông Hậu, nhằm giúp hàng hóa xuất nhập khẩu của đồng bằng sông Cửu Long có thể thực hiện ở ngay vùng đất này, giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Vận tải hàng hóa bằng đường bộ hiện đang chiếm tới khoảng 80% trong tổng sản lượng hàng hóa vận tải. Những tồn tại nêu trên như khối đá tảng, đang trì kéo sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.
Phương tiện vận tải di chuyển không có hàng một chiều gây lãng phí năng lực vận tải Ảnh: Cao Thăng
Đường thủy, đường sắt đang gượng dậy
Trong khi vận tải đường bộ loay hoay trong khó khăn thì vận tải đường thủy, đường sắt, vốn là các loại hình vận tải có chi phí rẻ hơn đường bộ, lại đang trong quá trình cải tổ sau một thời gian dài… tà tà.
Là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc, có đầy đủ điều kiện để kết lại thành hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi, nhưng một thời gian dài trước đây, hoạt động vận tải bằng đường thủy ở Việt Nam chủ yếu tự phát, dựa vào thiên nhiên, chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Hơn một năm trước, vận tải bằng đường thủy mới bắt đầu được nghiên cứu, đầu tư và triển khai thực hiện một cách bài bản. Minh chứng của việc này là Bộ GTVT chính thức đưa tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang vào hoạt động, nhằm chia tải cho hoạt động vận tải bằng đường bộ (sau một năm hoạt động đã vận chuyển hơn 5,3 triệu tấn hàng hóa với giá cước chỉ bằng 20% - 30% so với những phương thức vận tải khác); đồng thời tổ chức nạo vét, khai thông dòng nhiều tuyến vận tải đường thủy quan trọng.
Giống như vận tải đường thủy, vận tải đường sắt đang trong quá trình… chuyển biến. Bộ GTVT đang tiến hành cải tổ hàng loạt hoạt động của ngành, nhưng sự lạc hậu của hệ thống hạ tầng ngành đường sắt đã và đang làm cho nhiều nỗ lực chưa thu được kết quả như kỳ vọng. Hiện đường sắt Việt Nam vẫn là mạng lưới được xây dựng cách nay hơn… 100 năm với khổ đường rộng chỉ có 1m và nhiều đoạn chỉ có một làn đường duy nhất. Nhiều doanh nghiệp vận tải trong ngành đường sắt đã tổ chức nhiều dịch vụ phục vụ khách hàng như cam kết chở hàng từ “kho tới kho” (trung chuyển bằng xe ô tô) một cách an toàn với giá cả cạnh tranh nhất, nhưng vì những bất cập nêu trên mà khách hàng đến với ngành đường sắt chưa nhiều. Chưa kể, sau một thời gian dài… tà tà, không ít cán bộ công nhân viên trong ngành cũng đã nhiễm thói quen làm việc… từ từ. Ngành đường sắt mới đang đảm nhận được khoảng trên 1% nhu cầu vận chuyển hàng hóa của đất nước, quá thấp so với khả năng mà ngành có thể làm được. Hiện đại hóa ngành đường sắt, xây dựng hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên hoàn với các nhà ga của ngành đường sắt, đặc biệt nâng cao chất lượng phục vụ là những việc mà ngành phải thực hiện để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ tới đây.
Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đang có những bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm - theo đánh giá của Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên, đặc trưng của ngành vận tải này là chi phí cao. Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đang kỳ vọng, thời gian tới, chi phí chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không sẽ giảm để hàng hóa Việt Nam, nhất là mặt hàng trái cây tươi, có thể xuất khẩu nhiều hơn nữa ra thị trường nước ngoài.
Bài 2: Gỡ khó như thế nào?
NGUYỄN KHOA