Trên chiếc xe lăn, người thương binh đặc biệt chỉ có một chân, một ánh nhìn và nụ cười thường trực trên môi. Ông luôn tâm niệm phải phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ để trở thành “người công dân kiểu mẫu”.
Quyết diệt quân xâm lược
Sinh ra và lớn lên tại Rạch Giá, Kiên Giang trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1947, Lê Thống Nhứt (ảnh) lúc này vừa 15 tuổi quyết định xếp bút nghiên, thoát ly gia đình vào đội du kích Gò Quao (Kiên Giang), rồi trở thành một trong những chiến sĩ trinh sát đặc công đầu tiên của tỉnh Cần Thơ, thuộc Đại đội 1085, Liên trung đoàn 22-24.
Trong một trận đánh, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ ngăn tàu Pháp ngược sông Hậu lên bắn phá khu vực Phong Điền. Đang bị sốt cao, nhưng nghĩ mình thông thạo địa bàn sông nước, Nhứt cố gắng gượng dậy vác súng một mình đi làm nhiệm vụ. Không hổ danh xạ thủ, trận này ông đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, làm nổ tung tàu địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên, thu được nhiều vũ khí, đạn dược khiến quân Pháp mất ăn mất ngủ…
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì năm 1953, trong một trận chống càn, pháo địch rơi trúng đội hình đơn vị, ông bị thương khắp người, tay phải bị giập, chân trái bị gãy, chân phải giập nát buộc phải cắt bỏ. Ông trở thành thương binh đặc biệt với tỷ lệ thương tật đến 91%.
Sau khi tập kết ra Bắc, đầu năm 1955, ông nhận được 1 cái ca tráng men, trên có hình anh bộ đội và lá cờ có chữ quyết chiến quyết thắng trận Điện Biên Phủ và 1 thư riêng của Bác Hồ gởi tặng thương binh đặc biệt. Mùa đông năm đó, ông Nhứt được Ty Thương binh cấp một chiếc áo ấm, dạng áo trấn thủ, nói là của Bác Hồ gửi tặng thương binh nặng.
“Cầm cái áo mà tôi vô cùng xúc động, tấm lòng của Bác Hồ thật bao la trời biển. Bác trăm công ngàn việc như thế mà vẫn quan tâm đến thương binh. Phần lớn anh em trong Nam ra Bắc không chịu được cái lạnh mùa đông, với những anh em bị thương nặng thì càng khổ hơn”. Nhận áo rồi, ông Nhứt không mặc, sợ áo cũ nên ông đem lồng áo trong bao áo gối để gối đầu hằng đêm.
Áo ấm ngày đông của Bác Hồ
Chiếc áo được ông Nhứt coi như báu vật. Nhưng rồi ông nghĩ, dẫu gì ông cũng không thể giữ mãi mãi kỷ vật của Người. 57 năm gìn giữ, nâng niu chiếc áo, ông Nhứt quyết định tận tay trao nó lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM.
Thời gian sống ở miền Bắc, một lần ông Nhứt sang thăm người bạn điều trị tại trại thương binh hỏng mắt. Sáng hôm ấy, ông dậy sớm chống nạng ra cổng thì thấy có nhiều công an mặc sắc phục. Hỏi ra mới biết là có đoàn đại biểu đến thăm.
Ông nhớ lại: “Qua khe cửa sổ, tôi cố tình nhìn mãi mà không thấy có Bác. Chỉ thấy một ông bác sĩ cùng đi với vài người. Phái đoàn tỏa ra nhiều hướng, nhóm đến khu học đánh máy chữ nổi, nhóm vào phòng hòa nhạc. Tốp của ông bác sĩ đi thẳng xuống nhà bếp, vào xem tận phòng vệ sinh. Đi qua bậc thềm, ông bác sĩ cầm gậy chỉ chỉ, có ý bảo phải cọ rửa cẩn thận kẻo thương binh té ngã. Tiếp đó, bác sĩ vào phòng thương binh. Anh em xôn xao: “Đoàn đến vậy mà không biết có Bác Hồ không?”. Lúc này vị bác sĩ mới cởi nón, tháo khẩu trang rồi lên tiếng: “Thế này không biết có phải là Bác Hồ không nhỉ?”.
Nghe giọng nói trầm ấm thân thương, anh em thương binh hô to: “Bác Hồ, Bác Hồ” rồi chạy tới ôm Bác. Thương binh toàn người hỏng mắt nên chỉ vài anh ôm trúng Bác, phần đông là anh em ôm nhau. Thấy vậy, Bác bảo mỗi người cứ về giường mình rồi Bác lần lượt đến từng giường nắm tay từng người một”. Anh thương binh Lê Thống Nhứt đứng nhìn, rớt nước mắt vì xúc động… Từ năm 1960 trở đi, được chuyển về Hà Nội, ông Nhứt có vinh dự được gặp Bác nhiều lần hơn.
Phấn đấu theo lời Bác dạy, thương binh Lê Thống Nhứt luôn gương mẫu hưởng ứng các hoạt động vì lợi ích cộng đồng ở địa phương. Không chỉ là hạt nhân nòng cốt của các phong trào văn hóa văn nghệ, ông còn vận động bạn bè và các nhà hảo tâm đóng góp xây cầu cho người dân nông thôn vùng ĐBSCL.
MINH AN