“Chiếc áo thiên nga” và những điều đáng tiếc…!!

“Chiếc áo thiên nga” và những điều đáng tiếc…!!

Trước hết về mặt dàn dựng, có thể nói đây là một công trình đáng nể. Tất cả đã cho thấy một sự nỗ lực đáng trân trọng của những người thực hiện mà hơn hết là tâm huyết của nữ đạo diễn Hoa Hạ. Để điều khiển hàng mấy trăm con người, ráp nối nhiều loại hình nghệ thuật: cải lương, Opera, hợp xướng, múa, xiếc… sao cho có được một hiệu ứng giao hòa tương đối dễ chịu nhất cho người xem hoàn toàn không phải là chuyện dễ….

Rút kinh nghiệm từ kiểu trình làng diễn viên như trình diễn thời trang của vở “Kim Vân Kiều” năm rồi, “Chiếc áo thiên nga” đã khá gọn gàng với dàn diễn viên chính gần như xuyên suốt. Vì thế, dù sân khấu lúc nào cũng tràn ngập sắc màu và đan xen nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng người xem vẫn giữ được cảm xúc nguyên vẹn cho nhân vật chính.

Và dù có rất nhiều sự xuất hiện song hành giữa tân và cổ, của múa và xiếc nhưng tất cả chỉ là cái nền đẹp để làm tôn vinh thêm cho cải lương được tung hoành bày đại yến với những màn vũ đạo đẹp mắt, những câu ca cổ bay bổng… Khán giả ngay từ đầu đã bị cuốn hút bởi sự hoành tráng của sân khấu và bị dồn ép bởi quá nhiều thủ thuật tạo cảm giác: Điệu trống dồn dập hòa trong dàn hợp xướng dữ dội giữa những tia lazer chói lòa với những chòm pháo hoa sáng rực trong cảnh chiến chinh hay những đàn thiên nga lãng mạn trên nền trời xanh giữa rừng bong bóng xà phòng li ti ngũ sắc rơi lả tả xuống sân khấu trong bài ca ly biệt giữa Trọng Thủy – Mỵ Châu….. Tất cả đó chính là sự nỗ lực để làm mới, làm hiện đại cải lương. Và nó đã thực sự thuyết phục được những khán giả đến với cải lương bằng thị giác…

“Chiếc áo thiên nga” và những điều đáng tiếc…!! ảnh 1

NSUT Kim Tử Long vai Trọng Thủy và Tú Sương vai Mỵ Châu trong vở “Chiếc áo thiên nga”. Ảnh: AN DUNG

Nhưng sau những sắc màu, âm thanh, sau những cảnh trí hoành tráng ấy thì cái gì sẽ còn tồn đọng lại trong lòng người xem? Mối tình bất diệt của Trọng Thủy- Mỵ Châu ư? Hình như là không phải, dù đạo diễn đã cố tình “treo” hai người lên để cho họ cùng bay lên và hòa làm một. Trong Thủy lấy Mỵ Châu 3 năm, hương lửa đang mặn nồng thì được lệnh cha triệu về thành Phiên Ngung. Họ chia tay thề nguyện với những lời cháy bỏng . Và chàng đã chịu cực hình vì dám chống lại cha. Khán giả đang bồi hồi cảm động vì tấm chân tình ấy thì bỗng thấy hẫng như bị một cú lừa ngoạn mục, bởi cũng đúng lúc chàng luôn miệng kêu tên nàng Mỵ Châu cũng là lúc Hoàng Dung, người vợ mới cưới của chàng hân hoan báo là đã mang thai, và như mọi người chồng hạnh phúc khác, Trọng Thủy quì xuống áp tai vào bụng vợ?! Trời ạ, có thể gọi đó là mối tình chung thủy, bất diệt theo nghĩa gì đây? Ngay cả Triệu Đà cũng đã mỉa mai con trai : “ Ngươi hãy hỏi lại lòng mình, chữ ân tình chung thủy có còn không?” thì cớ sao các tác giả cứ muốn nâng cánh cho một mối tình đã ô uế?

Có lẽ đây là cách lý giải cho sự xuất hiện của Triệu Hồ, con trai Trọng Thủy người nối ngôi Triệu Đà trong lịch sử. Nhưng chiếu theo năm tháng thì Hồ sinh năm 175 trước công nguyên, nghĩa là trước khi An Dương Vương thất thủ 4 năm - tấât nhiên Trọng Thủy cũng chết vào năm này - thì Hồ phải là đứa con riêng từ trước khi Trọng Thủy lấy Mỵ Châu mới đúng. Tác giả cố gắng để “làm sạch” Trọng Thủy bằng cách trút tội qua An Dương Vương “bằng con mắt của người hiện đại, lấy chuyện xưa để nói chuyện bây giờ”: Nghĩa là ông thất bại vì ông chủ quan khinh địch, ông bê tha tửu sắc, ông loại bỏ trung thần… Cái công thức này khá xưa cũ, ở triều đại nào khi suy vong đều có thể đưa ra được, nhưng với An Dương Vương thì khá khiên cưỡng. Chúng ta không thể quên rằng đây là một ông vua uy dũng đã từng 10 năm chỉ huy kháng chiến đẩy lui quân Tần giành độc lập thống nhất Âu Việt và Lạc Việt, và xây dựng thành Cổ Loa với khả năng phòng thủ quân sự ưu việt từ rất sớm đã chế tạo được loại nỏ liên châu, một phát bắn ra hàng chục mũi tên (khảo cổ học đã tìm thấy hàng ngàn mũi tên đồng khai quật ở Cổ Loa).

Với một cơ đồ như vậy, nếu không có gián điệp được tin cẩn chui vào liệu rằng có thể tan vỡ? Ông vua nào sau chiến thắng không nghi kỵ công thần, không an hưởng thái bình, nhưng để đến chỗ mất nước thì triều đại phải thực suy vong, lòng người ly tán và dứt khoát phải có nội gián của địch cài vào. Truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu là một bi kịch tình yêu với những ngang trái dằn xé đầy nội tâm trong một con người. Trọng Thủy là nhân vật nếu biết khai thác sẽ cực hay, hoàn toàn không phải trơn tuột, yếu hèn như chàng Trọng Thủy của “ Chiếc áo thiên nga”.

Và đó là nhân vật cần phân thân, bởi sự đấu tranh dằn xé giữa tình yêu và sứ mạng, chứ nàng Mỵ Châu trong trắng chỉ biết tin và yêu thì việc gì phải phân thân, phải khóc lóc giữa tình yêu và lý trí? Đó cũng chính là cảnh khá thừa thãi của “Chiếc áo thiên nga”. Truyền thuyết của Cổ Loa nỏ thần kim qui, là bài học vỡ lòng của bất kỳ người Việt Nam nào. Và đã gọi là truyền thuyết thì ắt phải có yếu tố thần thoại. Tất nhiên, dựa trên lịch sử ai cũng hiểu bấy giờ sức mạnh của nỏ thần Kim Qui là sức mạnh của nỏ liên châu chỉ có nhà Thục mới có.

Và chính bí mật chế tạo nỏ cùng mọi ngóc ngách phòng thủ quân sự ở thành Cổ Loa bị đánh cắp mới là nguyên nhân thực sự làm Âu Lạc mất nước. Do tác giả ngay từ đầu đã muốn “hiện đại hóa truyền thuyết” nên phải cố tình giải oan cho Trọng Thủy và vô tình làm mối tình oan trái này trở nên quá đơn giản. Người ta trông chờ ở những viên ngọc trai đỏ kết tinh bằng những giọt máu oan khốc của cô gái tội nghiệp này như một kết thúc đầy oan nghiệt của một tình yêu không trọn vẹn, chứ không phải là một màn trình diễn bay lượn như chim của một mối tình đã bị ô uế vì sự thiếu chung thủy của chàng Trọng Thủy. Cuối cùng, có nên chăng lặp lại câu đáng suy nghĩ của Hégel: “Truyền thuyết ví như dàn giáo làm chống đỡ lịch sử, nếu gỡ bỏ truyền thuyết thì lịch sử có nguy cơ sụp đổ theo”… 

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục