Chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Nỗi lo cháy nổ tại các chung cư cũ
Chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư

Cải tạo chung cư cũ tại TPHCM

Qua giám sát, ở TPHCM hiện có đến 474 chung cư tuổi thọ lên đến vài chục năm, đa số đã xuống cấp, một số hư hỏng nặng. Trong khi đó, việc cải tạo, xây mới số chung cư này vẫn còn nhiều thách thức, có nguyên nhân cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa rõ. Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TPHCM phản ánh thực trạng này tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi do Thường trực HĐND TP phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện sáng 6-11.

Chung cư Cô Giang, quận 1 xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Thành Trí

Nỗi lo cháy nổ tại các chung cư cũ

Phát biểu tại chương trình tọa đàm sáng hôm qua với chủ đề “Cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ - thực trạng và giải pháp”, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho rằng nhiều năm qua, với mong muốn cải thiện, nâng cao chất lượng nhà ở của người dân, chỉnh trang đô thị, TPHCM đã triển khai chương trình cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, hư hỏng. Đã có 32 chung cư với quy mô 207.635m² được tháo dỡ, tương ứng 4.232 hộ dân được di dời. TPHCM cũng xây mới 39 chung cư, quy mô 470.000m² để bố trí tái định cư… Mặc dù vậy, ông Trần Trọng Tuấn cũng nhìn nhận thực tế TP còn 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, với quy mô 1,8 triệu m² với số lượng 27.200 hộ dân tập trung ở các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh… “Theo thời gian, số chung cư này đang xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng không đảm bảo”, ông Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh.

Ở góc độ chuyên môn, Trưởng phòng Tổ chức Cảnh sát PCCC TPHCM Huỳnh Quang Tâm đánh giá: 474 chung cư nêu trên đều xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì số chung cư này xây dựng trước khi có Luật PCCC cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC nên không đảm bảo về PCCC, cụ thể như thiếu lối thoát nạn; không đảm bảo ngăn cháy, thoát khói khi xảy ra cháy, nổ; hệ thống điện câu mắc không đảm bảo an toàn về PCCC. “Nhiều chung cư không có bãi để xe nên xe bố trí ở các lối đi, lối thoát nạn, do vậy rất nguy hiểm khi xảy ra cháy, nổ”, ông Tâm nêu. Không chỉ vậy, ông Tâm còn lo ngại rằng hầu hết các chung cư này không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy; nhiều chung cư không thành lập lực lượng PCCC tại chỗ, không có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…

Cho người dân nhiều sự lựa chọn

Cho đến nay, việc cải tạo, xây mới lại hàng trăm chung cư ở mức độ “báo động đỏ” kể trên tại TPHCM vẫn thực hiện rất chậm.

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP cho rằng, việc cải tạo, xây mới chung cư cũ còn nhiều thách thức; ngoài nguyên nhân số lượng chung cư cần cải tạo còn nhiều thì một số cơ chế, chính sách chưa được rõ nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, như: phương thức tính tiền sử dụng đất, giá thỏa thuận đối với phần diện tích dôi dư, hay hộ ghép, thủ tục còn kéo dài, phức tạp… Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu nhận định, để thực hiện thành công chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TPHCM hiện nay thì giải pháp chính vẫn là thực hiện theo hình thức xã hội hóa. “Do vậy, rất cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực và các trách nhiệm xã hội tham gia chương trình này”, ông Châu đề xuất. Ông Trương Trung Kiên nói thêm, cần giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, trong đó thông tin rõ ràng, minh bạch về các quyền lợi mà người dân được hưởng; có phương thức ổn định cuộc sống của người dân. Cần cho người dân biết và thực hiện về hỗ trợ giá đối với phần diện tích dôi tư, điều kiện để hoạt động kinh doanh sinh sống tại các chung cư mới, sự minh bạch về phương án tài chính, phương án tạm cư và ưu tiên tái định cư tại chỗ…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, để thực hiện thành công chương trình cải tạo chung cư cũ, quan trọng nhất vẫn là là sự đồng thuận của người dân. Vì vậy, yếu tố hết sức quan trọng là phải minh bạch, công khai các vấn đề liên quan đến cải tạo, sữa chữa, xây dựng chung cư cũ. “Khi xây dựng các chung cư phải có đại diện của người dân tham gia với doanh ngihệp. Đối với việc tạm cư, ở đâu, bao lâu thì phải nói rõ ràng cho dân biết”, đồng chí Lê Văn Khoa bày tỏ quan điểm. Việc tái định cư, theo đồng chí Lê Văn Khoa, chủ trương của TP là cố gắng giải quyết tái định cư tại chỗ theo phương thức nếu người dân ở căn hộ dưới chuẩn 25m² thì phải được trang bị lại căn hộ ít nhất 25m² không phải đóng thêm tiền, còn nếu phần chênh lệch lớn hơn thì được mua theo giá thỏa thuận nhưng cố gắng theo giá không lợi nhuận. Đồng chí Lê Văn Khoa cho biết, ngân sách nhà nước để xây dựng 474 chung cư cũ không thể thực hiện mà phải kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Thành phố mong muốn sự hưởng ứng của doanh nghiệp theo lợi nhuận hợp lý.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, khi thực hiện cải tạo, xây mới chung cư cũ, xuống cấp phải đưa ra các gói chính sách để người dân có nhiều sự lựa chọn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân. Ngoài ra, giải pháp toàn diện là phải gắn với công ăn việc làm, an ninh trật tự, học hành, đi lại của người dân…

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục