Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

(SGGP). – Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 29-11, với 448 đại biểu tán thành, chiếm 89,96% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 20 đại biểu không tán thành và 5 đại biểu không biểu quyết. Luật gồm 14 chương, 212 điều.
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

(SGGP). – Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 29-11, với 448 đại biểu tán thành, chiếm 89,96% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 20 đại biểu không tán thành và 5 đại biểu không biểu quyết. Luật gồm 14 chương, 212 điều.

Trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, nhiều nội dung quan trọng đã được tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH.

Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).Ảnh: Lã Anh
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).Ảnh: Lã Anh

Về thu hồi đất, luật đã bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh như xây dựng trụ sở làm việc; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, nhà nghỉ dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng đã được làm rõ. Cụ thể là để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm: dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải.

Bên cạnh đó, các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất cũng đã được liệt kê ngay trong luật. Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cưỡng chế để áp dụng thống nhất trong cả nước - vì đây là vấn đề phức tạp và có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân - cũng đã được tiếp thu, thể hiện tại khoản 6 Điều 71 của dự thảo luật.

Về bồi thường đối với đất phi nông nghiệp của cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, luật quy định sẽ bồi thường cho “Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của luật này mà chưa được cấp”. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất phi nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ.

Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014.

ANH PHƯƠNG


Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phá sản

(SGGP). - Sáng 29-11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Theo các đại biểu, việc sửa đổi lần này là cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “chết được chôn”. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo cần đơn giản hơn để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Theo ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM), hiện nay tình trạng doanh nghiệp nợ lương, chủ doanh nghiệp bỏ trốn... phổ biến. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì người lao động là yếu thế, dễ tổn thương nhất trong tương quan các chủ nợ khác. Do tính đặc thù đó, việc trả nợ lương trong nợ của doanh nghiệp phải được ưu tiên. Bên cạnh đó, cần bổ sung chủ thể đề nghị phá sản là cơ quan quản lý lao động ở huyện, tỉnh để tăng trách nhiệm cũng như dễ dàng hơn trong việc cung cấp các chứng cứ phục vụ cho việc thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp, người lao động đỡ vất vả.

Cùng quan điểm, theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) nên quy định các thủ tục đơn giản để có thể tuyên phá sản doanh nghiệp kể cả khi chủ doanh nghiệp vắng mặt, bởi thời gian qua có nhiều chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bỏ trốn. Và, chính vì thực tế này đã gây nên những bế tắc trong việc xử lý doanh nghiệp phá sản. Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng hiện tại các chủ nợ là ngân hàng thường không làm đơn đề nghị mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp mà cứ để doanh nghiệp “chết không được chôn” thì họ lợi hơn vì đó dù sao vẫn là nợ khó đòi, còn nếu mở thủ tục phá sản thì ngân hàng mất hết. Do vậy, các ngân hàng thường không làm. Người cần mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng này chính là người lao động.

Hiện nay, tình trạng chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bỏ trốn tại TPHCM nhiều. Chỉ tính riêng 7 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương chưa xử lý được đã ảnh hưởng đến hơn 1.100 người lao động với tổng tiền nợ lương trên 7 tỷ đồng, chưa kể nợ bảo hiểm y tế, xã hội... Do vậy, cần giải quyết thủ tục nhanh, thuận lợi quyền của chủ nợ và người lao động và giải pháp đặt ra là đưa ra các quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản được phá sản nhưng cũng tạo hàng rào ngăn những doanh nghiệp chưa lâm vào phá sản nhưng muốn phá sản.

Thậm chí, ĐB Đặng Ngọc Tùng còn đề nghị nên quy định, người quản lý doanh nghiệp khi để doanh nghiệp lâm vào phá sản cấm rời khỏi nơi cư trú hay xuất ngoại trước khi chưa hoàn thành xong các thủ tục phá sản.

Theo dự thảo, trong quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân tối cao đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu. Phương án 2 là chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.

Nhiều đại biểu cho rằng không nên chọn phương án 2. Theo ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), quy định con số tuyệt đối 200 đồng là không hợp lý, cứng nhắc, dễ lạc hậu và không có căn cứ bao nhiêu thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp, hợp tác xã vì cũng còn tùy thuộc vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã. Do vậy, ĐB Thân Đức Nam đề nghị nên chọn phương án 1 và cần quy định chặt chẽ để răn đe doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng cố tình dây dưa.

ĐB Đặng Ngọc Tùng, cũng chia sẻ, quy định mức nợ vài trăm triệu đồng quá hạn có thể bị mở thủ tục phá sản là không hợp lý, bởi với doanh nghiệp lớn thì nợ 200 triệu đồng “không là gì” nhưng với doanh nghiệp nhỏ lại khác. Do đó, nên chọn phương án 1 sẽ hợp lý hơn.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục