Xơ vữa động mạch là một bệnh trong đó mảng bám tích tụ bên trong các động mạch. Mảng bám được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác có trong máu. Theo thời gian, mảng bám cứng lại và làm hẹp dần các động mạch. Điều này hạn chế dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan của cơ thể. Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, thận, tay, chân... Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó.
Bệnh động mạch vành: Động mạch vành là những động mạch cung cấp máu giàu oxy nuôi trái tim. Xơ vữa gây hẹp động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Động mạch vành bị xơ vữa có thể bị hình thành cục máu đông dẫn đến ngăn chặn một phần hoặc tắc hoàn toàn dòng máu nuôi tim do mạch vành đó cung cấp. Khi đó, người bệnh sẽ có triệu chứng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Bệnh động mạch cảnh: Động mạch cảnh là những động mạch cung cấp máu giàu oxy cho não. Xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh làm giảm lưu lượng máu đến não, khi đó người bệnh có thể bị đột quỵ, biểu hiện các triệu chứng như tê hoặc yếu nửa người, nói khó hoặc mất ngôn ngữ.
Bệnh động mạch ngoại vi: Là các động mạch cung cấp máu giàu oxy cho chân, tay và vùng chậu. Xơ vữa gây hẹp động mạch ngoại biên dẫn đến các bộ phận này của cơ thể bị thiếu máu nuôi, khi đó người bệnh có thể bị tê, đau và đôi khi bị viêm, loét hoặc nhiễm trùng kéo dài, hoại tử chi.
Hiện nay chưa xác định nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch, tuy nhiên, một số đặc điểm hoặc thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: huyết áp cao; hút thuốc lá; người mắc bệnh tiểu đường; người thừa cân, béo phì, thiếu hoạt động thể chất; chế độ ăn uống không lành mạnh; người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm. Điều trị xơ vữa động mạch có thể bao gồm những thay đổi lối sống như: chế độ ăn uống thích hợp, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, kiểm soát căng thẳng, hoạt động thể lực và bỏ hút thuốc lá. Kết hợp với việc dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh như: Thuốc điều chỉnh các rối loạn lipid máu; hạ huyết áp; thuốc hạ đường huyết; ngăn ngừa cục máu đông. Điều quan trọng là phải uống thuốc thường xuyên theo toa của bác sĩ đồng thời với một lối sống lành mạnh cho tim.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh xơ vữa động mạch cũng như giúp phòng tránh bệnh là: tránh khói thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng ở mức bình thường, chế độ ăn uống thích hợp (ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đạm thực vật hoặc đạm từ cá, gia cầm, ăn ít chất béo bão hòa và ít cholesterol).