
Khi nhà đấu giá Christie’s mở màn phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đương đại và hậu chiến tại New York, Mỹ giữa tháng 5-2014, giá các tác phẩm liên tục tăng và... tăng!
Người mua từ 35 quốc gia đã cạnh tranh để có những kiệt tác của các nghệ sĩ ảnh hưởng nhất thế kỷ qua: Francis Bacon, Andy Warhol, Barnett Newman, Mark Rothko, Jeff Koons, Christopher Wool, Jean-Michel Basquiat... Với 80% số lô hoàn toàn mới với thị trường đấu giá, 2 buổi tối đấu giá 12 và 13-5 có doanh thu tổng cộng 879.574.000 USD, lập 26 kỷ lục đấu giá thế giới, với 2 tác phẩm trên 80 triệu USD, 4 tác phẩm trên 50 triệu USD, 12 tác phẩm trên 20 triệu USD, 19 tác phẩm trên 10 triệu USD và 86 tác phẩm trên 1 triệu USD.

Tác phẩm The Card Players (Những người chơi bài).
Giám đốc điều hành Christie’s Steven Murphy cho biết, sự bùng nổ người mua từ các thị trường mới nổi đang làm thị trường sôi động khi săn lùng tác phẩm nghệ thuật mọi cấp độ.
Theo bà Viola Raikhel-Bolot, Giám đốc Công ty 1858 Ltd Art Advisory, chuyên tư vấn nghệ thuật toàn cầu, khách hàng quốc tế tập trung ở đây vì “nơi mua tác phẩm nghệ thuật hậu chiến và đương đại dường như chỉ còn New York. Các nhà sưu tập từ Mỹ Latin và châu Á thường xuyên đến các gallery ở đây và theo dõi rất chặt các phiên đấu giá”.
Những năm gần đây, doanh thu đấu giá tác phẩm nghệ thuật chỉ có một hướng tăng. Theo báo cáo hàng năm của Hội chợ Nghệ thuật châu Âu (TEFAF), doanh thu toàn cầu tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ tăng 7,5% trong năm 2013, lên 65,5 tỷ USD, gần mức cao nhất đạt được năm 2007.
Trong năm 2013, Christie’s đạt doanh thu hơn 7 tỷ USD, phá kỷ lục của chính mình năm thứ tư liên tiếp. Phiên đấu giá của Christie’s ở New York trong tháng 11-2013 đã mang về 782.368.375 USD, kỷ lục trong lịch sử thị trường nghệ thuật. Tác phẩm điêu khắc Balloon Dog của Jeff Koons được bán 58,4 triệu USD, là tác phẩm của một nghệ sĩ còn sống được đấu giá cao nhất. Tranh bộ ba Three Studies of Lucian Feud của Francis Bacon được bán 142,4 triệu USD...
Andrew Renton, Giám đốc gallery Marlborough Contemporary tại London và là giáo sư Trường nghệ thuật Goldsmiths - Đại học London, chỉ ra rằng có rất nhiều giao dịch diễn ra bí mật, nên khó biết con số chính xác và một số có khả năng vượt xa các kỷ lục hiện tại. “Chúng ta đã có một mô hình kinh tế hơi mâu thuẫn. Giá cả dường như thiết lập giá trị. Trả giá quá cao gần như là điều tốt nhất bạn có thể làm, bởi vì bạn bắt đầu xác định thị trường của riêng mình”, Renton cho biết. Theo ông, khi các tác phẩm kinh điển trở nên khan hiếm hơn, giá trị của chúng sẽ tiếp tục tăng, cũng như thông tin huyên náo xung quanh chúng. Sẽ không có giá trần và chúng ta sớm thấy một tác phẩm nghệ thuật đạt giá 1 tỷ USD.
| |
BẢO NGHI