Trong chương trình làm việc sáng nay (7-10), Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX thảo luận về nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015. Nhân dịp này, PV Báo SGGP trao đổi với một số người dân để lắng nghe họ phản ánh tâm tư, nguyện vọng và hiến kế về công tác cán bộ ở TPHCM.
- Bà Hoàng Minh Huyền (Công ty Sonnafood Viet Nam): Chú ý năng lực thực hiện
Qua đọc báo, tôi biết công tác cán bộ hiện nay ở TPHCM chỉ mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt, việc bố trí cán bộ còn chú trọng yếu tố bằng cấp. Tôi có mấy kiến nghị sau: Trong quá trình sắp xếp cán bộ, TP cần quan tâm nhiều hơn về năng lực thực hiện và đạo đức cán bộ, có quy hoạch lâu dài; cán bộ phải qua đào tạo trước khi bổ nhiệm, không nên đề bạt rồi cho đi học; phải có quá trình bồi dưỡng rèn luyện và theo dõi xuyên suốt đối với cán bộ trẻ thông qua việc học tập, công tác để có sự nhận xét, bố trí, luân chuyển cán bộ nhận nhiệm vụ đúng chuyên môn sở trường và phát huy năng lực.
Tôi thấy cán bộ trẻ hiện nay giỏi chuyên môn hơn cán bộ lớn tuổi, nhưng phẩm chất đạo đức, lý tưởng của nhiều bạn trẻ còn nhiều hạn chế. Công tác luân chuyển, thay đổi cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt ở một số nơi thực hiện chưa đúng đã làm ảnh hưởng đến sự ổn định về nội bộ và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội của địa phương, đơn vị.
- Anh Lê Xuân Huy (Sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên): Chọn trường có thương hiệu để đào tạo cán bộ
Báo chí đưa tin Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM có số lượng đại biểu gần 450 người, nhưng số cán bộ trẻ, có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo chính quy lại chiếm không nhiều. Tôi được biết chương trình đào tạo 500 tiến sĩ, thạc sĩ được TPHCM chuẩn bị khá công phu từ nhiều năm nay, tuy nhiên việc phổ biến chưa sâu rộng đến các trường đại học, nên bản thân tôi chỉ biết chương trình này một cách tình cờ trên mạng. Đã vậy, tính cạnh tranh của chương trình lại chưa cao.
Tôi lấy ví dụ, “bộ máy săn đầu người” của nhiều công ty nước ngoài ở TPHCM làm công tác tuyển nhân sự rất chuyên nghiệp, nắm rất sát tình hình sinh viên ở các trường đại học. Họ sẵn sàng cấp học bổng hàng tháng cho sinh viên giỏi, đưa ra những lời chào hấp dẫn ngay từ năm thứ 3 đại học và họ tham dự cả những buổi sinh viên bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Về ngành nghề đào tạo, tôi đề nghị chương trình này của TPHCM nên đào tạo ở nước ngoài những ngành như quản lý đô thị, hành chính công, quản lý bất động sản, quản lý thị trường tài chính vì chúng ta chưa có kinh nghiệm; nếu không được thì chí ít cũng nên dùng giáo trình nước ngoài để giảng dạy trong nước… Đề nghị TP không nên yêu cầu quá cao về độ tuổi đào tạo tiến sĩ khoa học; cần chọn trường có thương hiệu để bảo đảm chất lượng “đầu ra”.
- Ông Nguyễn Văn Tiêu (175 Võ Thị Sáu, quận 3): Chú trọng đào tạo cán bộ trẻ
Cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng nên cần bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Để không bị động trong công tác cán bộ, bảo đảm tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cần quan tâm đến công tác đào tạo và bổ nhiệm cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, khẳng định được năng lực.
Để làm tốt công tác này cần phát triển từ nguồn sinh viên mới tốt nghiệp đại học và chăm lo, bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo cán bộ trẻ trưởng thành tại cơ sở. Công tác bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển cán bộ nguồn quy hoạch được tiến hành đúng quy trình, xem xét bố trí vào các vị trí phù hợp với trình độ, năng lực của từng cán bộ.
Công tác đào tạo và bổ nhiệm cán bộ trẻ hiện nay theo tôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa mạnh dạn bổ nhiệm các cán bộ trẻ vào các chức danh chủ chốt nên tỷ lệ cán bộ trẻ còn thấp. Một số cán bộ trẻ hiện nay còn lúng túng trong điều hành, giải quyết các công việc thực tiễn ở cơ sở, thiếu tự tin.
Hiện nay các chính sách chưa khuyến khích, thu hút lực lượng trẻ sau khi tốt nghiệp đại học vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Trong nhiệm kỳ tới cần tiếp tục xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm đến từng cấp ủy cơ sở và người đứng đầu mỗi cơ quan.
- Bà Đặng Thị Xuân Hương (105 A Bến Chương, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1): Chuẩn mực đạo đức của cán bộ phải cao hơn công chức
Tôi đọc và thấy dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ của TP có đề cập đến vấn đề mà tôi rất tâm đắc là: “Việc bổ nhiệm và bố trí cán bộ phải dựa trên cơ sở hiệu quả công tác và tín nhiệm của nhân dân; kịp thời thay thế cán bộ yếu kém năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút”.
Để công tác cán bộ thực sự mang lại hiệu quả trong điều hành công việc, nhất là những cán bộ đầu ngành, cán bộ lãnh đạo, theo tôi cần phải xây dựng một chuẩn mực đạo đức cụ thể và yêu cầu cao hơn đối với cán bộ lãnh đạo, họ phải tuân thủ chấp hành nghiêm hơn so với viên chức hoặc cán bộ làm ở các sở ban ngành phải khác với cán bộ ở phường xã thị trấn.
Đề ra chuẩn mực nhưng phải theo dõi, giám sát xem cán bộ có đạt được yêu cầu không, có làm gương không thì phải tổ chức tốt hơn việc lấy ý kiến quần chúng ở nơi công tác và nơi cư trú về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức thật hiệu quả, tránh hình thức. Tôi rất kỳ vọng đại hội kỳ này, TPHCM sẽ tiếp tục chọn lựa được những cán bộ có đạo đức trong sáng, trung thực, tâm huyết vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, có tư duy mới và phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học.
T.SƠN – H.VIỆT – H.HIỆP