Việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, kém chất lượng không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà diễn ra trên phạm vi toàn thế giới bởi lợi nhuận từ buôn bán hàng giả là rất lớn. Chính vì thế, các đối tượng này không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, đặc biệt là thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm.
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, chỉ tính riêng với thực phẩm, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 2.516 vụ, xử lý 1.472 vụ việc, xử phạt gần 5,9 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng hóa không có nhãn mác...
Những con số này dấy lên lo ngại về thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn đang len lỏi ngoài thị trường, dù các cơ quan chức năng và doanh nghiệp chân chính đang thực hiện nhiều phương cách để hạn chế nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Vì sao thực phẩm, dược phẩm giả, kém chất lượng vẫn có đất sống dù cơ quan chức năng và doanh nghiệp chân chính đang dùng nhiều giải pháp để ngăn chặn? Lý giải nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho biết, kể từ sau dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe Việt Nam đã tăng vọt, kéo theo số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng lên. Đáng nói, thị trường kinh doanh thực phẩm nói chung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dược phẩm nói riêng qua hình thức online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet ngày càng tăng. Những phương thức kinh doanh này đã và đang tạo “lỗ hổng” để hàng kém chất lượng, hàng giả trà trộn vào, gây nguy hại tới người tiêu dùng.
“Hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội và cộng đồng, không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp chân chính, làm xấu đi môi trường đầu tư và kéo lùi sự phát triển kinh tế của đất nước. Điều đáng lo ngại là tình trạng trên diễn biến với hình thức ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng”, ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam (ACT) tại TPHCM, nhận định.
Ông Phạm Văn Thọ cho rằng, cần thiết phải ứng dụng công nghệ cao để chống hàng giả. Công nghệ cao ở đây chính là sử dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho thực phẩm, dược phẩm… Người tiêu dùng chỉ cần thông qua chiếc điện thoại thông minh là có thể biết được “đường đi, nước bước” của sản phẩm mình đang sử dụng. “Với hình thức này, doanh nghiệp có thể kiểm soát được sản phẩm qua tất cả các khâu, còn người tiêu dùng không phải tốn chi phí nhưng lại dễ dàng biết sản phẩm thật hay giả, từ đó đưa ra quyết định nên mua hay không”, ông Thọ cho biết.
PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, khẳng định, giới tội phạm đã sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, các nhà quản lý và sản xuất cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ. Việc này để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo. Các giải pháp công nghệ phổ biến để chống hàng giả, hàng nhái hiện nay có thể kể đến như quét mã QR, mã vạch, tem chống hàng giả hoặc chống hàng giả bằng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, blockchain… Những cách làm này đã và đang góp phần giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng thật, hàng giả hơn.