Kiên định bình ổn giá

Giảm gánh nặng cho người tiêu dùng

Trong khi giá nhiều mặt hàng thiết yếu đang điều chỉnh tăng ở một số kênh bán lẻ truyền thống, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op vẫn kiên định giữ giá ổn định cho nhóm hàng bình ổn thị trường. Đây không chỉ là nỗ lực của riêng nhà bán lẻ mà còn là kết quả phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp trong việc chia sẻ áp lực và định hướng thị trường.

Giá cả nhiều sản phẩm tiêu dùng tại siêu thị luôn được giữ ổn định
Giá cả nhiều sản phẩm tiêu dùng tại siêu thị luôn được giữ ổn định

Chợ, tiệm tạp hóa rục rịch tăng giá

Từ đầu tháng 6-2025, nhiều tiệm tạp hóa và sạp hàng chợ tại TPHCM đã âm thầm điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Mức tăng chưa quá đột biến nhưng đang tạo thêm áp lực lên chi tiêu của người dân trong bối cảnh giá cả đầu vào, phí vận chuyển và dịch vụ đều đồng loạt leo thang.

Ghi nhận tại chợ Tăng Nhơn Phú (phường Tăng Nhơn Phú) cho thấy, rau cải xanh hiện được bán với giá 25.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng so với giữa tháng 6-2025. Rau muống dao động 20.000-22.000 đồng/ kg, tăng 2.000 đồng; cà rốt 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng; khoai tây lên đến 65.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng... Theo chị Linh Lan, tiểu thương bán rau lâu năm tại chợ này, chi phí vận chuyển và công thu hoạch tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán lẻ rau củ tại chợ. Không chỉ rau củ, nhiều tiệm tạp hóa cũng đã điều chỉnh giá hàng tiêu dùng. Chị Nguyễn Kim Dung, chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Hóc Môn, cho biết, thùng 48 hộp sữa Vinamilk tiệt trùng 180ml đã tăng lên 385.700 đồng/thùng, đường cát trắng tăng 2.000 đồng/kg, hiện bán ở mức 22.000 đồng. “Mỗi món tăng chút đỉnh, cộng dồn lại người bán cũng chóng mặt”, chị Dung chia sẻ.

Ở kênh hiện đại, một số nhà cung cấp thừa nhận đang chịu sức ép lớn từ giá đầu vào nhưng vẫn chưa thể điều chỉnh giá bán. Ông Lê Trọng Đôn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm Cà Mèn, cho biết, chi phí nguyên vật liệu, nhân công, bao bì đều tăng ít nhất 15%, nhưng Cà Mèn chưa được hệ thống bán lẻ nào chấp thuận đề xuất tăng giá. “Các siêu thị yêu cầu giữ giá để hỗ trợ người tiêu dùng nên doanh nghiệp buộc phải xoay xở, tạm thời chấp nhận lãi ít”, ông Đôn nói.

Thực vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần Việt đang sở hữu hơn 800 điểm bán trên khắp cả nước - xác nhận, đơn vị này đã nhận được đề xuất điều chỉnh giá từ một số nhà cung cấp với lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tuy nhiên hệ thống chưa chấp thuận.

Vì trách nhiệm và niềm tin thị trường

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, khi nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, việc duy trì giá bán ổn định không chỉ là biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm của hệ thống phân phối lớn. “Chúng tôi hiểu rõ áp lực từ chi phí đầu vào mà các nhà sản xuất đang gánh chịu. Tuy nhiên, nếu vội vàng chấp nhận tăng giá, hệ quả sẽ là đẩy gánh nặng chi tiêu sang người dân và đây là điều chúng tôi không mong muốn. Vì vậy, mỗi đề xuất điều chỉnh giá đều phải được xem xét kỹ lưỡng”, ông Nguyễn Ngọc Thắng nhấn mạnh. Ông Thắng cho biết, với vai trò là nhà bán lẻ hàng đầu tại TPHCM, Saigon Co.op xác định giữ giá là một phần trong sứ mệnh bình ổn thị trường, bởi việc giữ giá không chỉ giúp bảo vệ sức mua người dân, mà còn góp phần ngăn chặn vòng xoáy tăng giá có thể ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế.

Năm 2025, Saigon Co.op tiếp tục tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM với 9 nhóm hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, đường, trứng, thịt gia súc - gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến và sữa các loại. Đây cũng là nhóm hàng có mức tiêu thụ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là trong bối cảnh sức mua đang phục hồi chậm. Tuy nhiên, việc giữ giá trong giai đoạn như hiện nay là khó khăn không chỉ với nhà sản xuất mà cả Saigon Co.op cũng chịu nhiều áp lực. Yếu tố quan trọng giúp Saigon Co.op duy trì được mức giá hợp lý là nhờ sự đồng hành từ nhà cung cấp lớn, không chỉ giữ giá mà còn cùng tham gia định hướng thị trường theo tinh thần chia sẻ.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt, đơn vị cung ứng trứng gia cầm lớn tại TPHCM, cho biết, giữ giá ổn định trong thời điểm này là điều không dễ vì giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào và vận chuyển đều tăng. Tuy nhiên, nhờ có sự định hướng rõ ràng từ phía Saigon Co.op về chính sách bình ổn và kế hoạch phân phối, công ty yên tâm điều tiết sản lượng và cam kết giữ mức giá trong chương trình bình ổn. Theo ông Thiện, điều quan trọng không chỉ là duy trì mức giá hợp lý, mà còn là giữ được niềm tin với người tiêu dùng và đảm bảo chuỗi cung ứng. “Thị trường bên ngoài có thể biến động, nhưng trong hệ thống Saigon Co.op, chúng tôi luôn chủ động phối hợp để duy trì nguồn hàng đầy đủ, ổn định”, ông Thiện khẳng định.

Các chuyên gia đánh giá, hệ thống bán lẻ quy mô lớn với mối quan hệ chặt chẽ cùng nhà cung cấp góp phần quan trọng trong việc giữ giá ổn định và hỗ trợ sức mua. Nhờ đó, dù thị trường bên ngoài có biến động thì nguồn cung tại kênh siêu thị vẫn dồi dào, giá bán nhiều mặt hàng thấp hơn 5%-10% so với thị trường tự do. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ này còn thể hiện cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn và phục vụ người tiêu dùng một cách có trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục